Sự kiện hot
14 năm trước

Pháp trị và bản năng

Một cháu bé ở Phường Thủy Xuân, TP Huế, vì trót ăn trộm của cô ruột vài triệu đồng nên bị đưa lên công an.

Một cháu bé ở Phường Thủy Xuân, TP Huế, vì trót ăn trộm của cô ruột vài triệu đồng nên bị đưa lên công an.

Sẽ không có gì phải phàn nàn nếu khi lên đồn cháu bé không bị một thiếu uý công an dùng dùi cui đánh đến mức bầm tím thân thể.

Dù rằng Công an thành phố Huế đã đề xuất tước quân tịch với vị thiếu úy này và cách chức phó trưởng công an phường một công an khác, nhưng sự việc đã chứng tỏ ý thức thực thi pháp luật theo kiểu bản năng, thay vì theo pháp luật của một số nhân viên công lực.

Một người dân TPHCM đang đi trên đường thì bị cướp giật. Do anh này kháng cự quyết liệt nên tên cướp không lấy được túi tiền, tuy nhiên chiếc túi bị rách trong lúc giằng co, tiền bay ra đầy đường. Ngay lập tức hàng chục người đi đường đã lao vào hôi của, mặc bị hại thẫn thờ nhìn tiền của mình bị "cướp" đi.

Ngoài sự đáng lên án về mặt đạo đức thì ở vụ việc này, những người tham gia hôi của đã vi phạm pháp luật. Theo ý kiến của một số luật sư, với hành vi hôi của này, nhẹ thì bị phạt hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc “Trộm cắp tài sản”. Có ai trong số những người hôi của trên bị phạt hành chính hay bị truy cứu hình sự hay không, điều này rất khó nói. Nhưng, sự văn minh trong ứng xử mà xã hội pháp trị mang lại đã không tồn tại ở nhóm người này.

Một vụ việc khác, vừa xảy ra sáng 23/6 tại một công ty đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Do thấy công nhân công ty này đình công, ngăn không cho ô tô vào trong công ty, một bảo vệ đã nhảy lên xe rồi nhấn ga lao vào nhóm công nhân. Một công nhân đã tử nạn, 6 người khác bị thương, trong đó có phụ nữ mang bầu 7 tháng. Sự bàng hoàng ập đến, không chỉ với những người có mặt tại hiện trường mà ngay cả với những người biết đến sự việc qua báo chí. Bảo vệ coi tính mạng người khác như cỏ rác? Bảo vệ hung hãn, côn đồ? Tất cả những nhận định này đều đúng. Nhưng trên hết và bộc lộ rõ nhất, nhân viên bảo vệ trên đã vứt bỏ ý thức tuân thủ pháp luật, hành xử theo pháp luật mà một công dân của xã hội pháp trị cần có và nên làm.

Quốc hội mỗi năm cho ra đời hàng chục bộ luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ấy là hoạt động hướng đến một xã hội pháp trị. Các cơ quan thực thi pháp luật mỗi năm điều tra, truy tố, xét xử hàng chục ngàn vụ án khác nhau, với những đối tượng phạm tội thuộc đủ mọi thành phần, không có ngoại lệ, căn cứ vào những điều khoản được luật pháp quy định, ấy là hoạt động chứng minh cho một xã hội pháp trị.

Xã hội pháp trị còn được bộc lộ ở nhiều khía cạnh khác nhưng tựu trung lại, nếu hiểu một cách căn bản nhất, đó là không ai có quyền đứng trên luật pháp và mọi hành vi của con người đều phải tuân theo pháp luật. Việc tuân theo này, nếu được thực hiện một cách tự giác thì đó là biểu hiện của sự văn minh. Tiếc rằng, dù chúng ta đã và đang hướng đến một xã hội pháp trị, nhưng ở nhiều nơi, trong không ít nhóm người, sự tồn tại của lối hành xử theo kiểu "bản năng" vẫn rất nặng nề.

Xã hội pháp trị là một trong những yếu tố để thúc đẩy sự phát triển. Với những người tự cho mình cái quyền hành xử kiểu bản năng, kìm hãm sự phát triển thì nên để luật pháp thực thi trách nhiệm của nó, ở mức cao nhất, nghiêm khắc nhất.

Nguyễn Đức (theo Giadinh)

Từ khóa: