Ngày 11/11, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố chính thức khởi động Chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” với thông điệp “Mua một ngà voi, nhận một quả báo – Mua thịt tê tê, nhận một quả báo” nhằm kêu gọi chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ ngà voi và vảy tê tê tại Việt Nam.
Chiến dịch gửi tới nhóm đối tượng là những người sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã thông điệp rằng, việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật và không thể hiện được vẻ đẹp trong lối sống của người dùng.
Thông qua đó, chiến dịch khuyến khích nhóm đối tượng này chấm dứt hành vi vi phạm mua bán, tiêu thụ và tặng, cho các sản phẩm từ động vật hoang dã.
Ở giai đoạn 1, chiến dịch kéo dài từ nay đến hết tháng 11/2020, tập trung thu hút và nâng cao sự quan tâm của nhóm đối tượng người sử dụng và cộng đồng về những yếu tố nhân - quả của hành vi mua bán và tiêu thụ trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê. Giai đoạn 2 nối tiếp đến năm 2021, với chuỗi hoạt động tương tác truyền cảm hứng nhằm khuyến khích những đối tượng mục tiêu thực hiện hành động cụ thể, thực tế và có trách nhiệm để chung tay giúp hồi sinh các loài voi và tê tê.
Voi và tê tê là những mắt xích không thể thiếu của hệ sinh thái tự nhiên, hành vi mua bán và sử dụng trái phép sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của các loài hoang dã và sự cân bằng của hệ sinh thái.
Chiến dịch cũng sẽ hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2020 về một số biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại Việt Nam.
Chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” với thông điệp “Mua một ngà voi, nhận một quả báo – Mua thịt tê tê, nhận một quả báo” thuộc Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã do USAID tài trợ.
Dự án sẽ phối hợp với các cơ quan của Chính phủ Việt Nam để thực hiện các mục tiêu giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp các loài hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về động vật hoang dã; và cải thiện, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ các loài hoang dã.
Theo KTDU