Chương trình nhằm hưởng ứng chủ trương trồng một tỷ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Chính phủ phát động: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tưởng niệm 70 năm Ngày hi sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót (13/3/1954 - 13/3/2024): Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024).
Sáng 25/2, tại huyện Cẩm Xuyên, Bộ TN&MT phối hợp UBND tỉnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động tết trồng cây xuân Giáp Thìn, Tháng Thanh niên năm 2024 và khởi công xây dựng công trình lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót.
Sau 3 năm thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh, cả nước đã trồng mới gần 770 triệu cây xanh với tổng nguồn vốn huy động gần 9.500 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết: “Triển khai chương trình tết trồng cây năm nay, Bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh đã lựa chọn huyện Cẩm Xuyên - địa phương có cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo, nhiều đồi núi, sông hồ, đồng bằng và dải ven biển để thực hiện.”
Với mong muốn kêu gọi các cấp, ngành và toàn thể nhân dân hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng; nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng; tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ, tạo cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế rừng bền vững. Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cũng đề nghị các đơn vị, địa phương tích cực phối hợp trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, trong dịp này, BTV Tỉnh đoàn Hà Tĩnh đã phát động ra quân hưởng ứng tết trồng cây xuân Giáp Thìn và Tháng Thanh niên năm 2024 với chủ đề “Thanh niên xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”.
Ngay sau lễ phát động tết trồng cây xuân Giáp Thìn, Tháng Thanh niên năm 2024, Bộ TN&MT phối hợp cùng tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khởi công xây dựng công trình lưu niệm Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót.
Anh hùng Phan Đình Giót (1922-1954) sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Vĩnh Phú, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên. Bố qua đời vì nạn đói, năm 13 tuổi, Phan Đình Giót phải đi ở, sống trong cảnh cực nhọc, vất vả. Sau Cách mạng tháng Tám, anh tham gia tự vệ chiến đấu. Đến năm 1950, Phan Đình Giót xung phong đi bộ đội chủ lực; tham gia nhiều chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Người con ưu tú của quê hương xã Cẩm Quan đi vào lịch sử với hành động bất khuất “lấy thân mình lấp lỗ châu mai”, cùng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Để tri ân công lao của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót, Bộ TN&MT đã đứng ra kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội hóa; thông qua kết nối của UBND tỉnh và BTV Tỉnh đoàn Hà Tĩnh để xây dựng công trình lưu niệm.
Công trình được xây dựng ngay trên chính nền ngôi nhà nơi Anh hùng Phan Đình Giót sinh ra và lớn lên; bao gồm các hạng mục: nhà thờ thiết kế 3 gian bằng gỗ, nhà đón tiếp trưng bày, sân vườn, cải tạo cảnh quan giếng làng, bãi đỗ xe và các công trình phụ trợ khác.
Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa của: cán bộ nhân viên ngành TN&MT, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Hà Nội), Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình), Công ty CP Hàng hải Dầu khí Hải Dương (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số nhà hảo tâm khác.
Công trình được khởi công có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc cho thế hệ trẻ và Nhân dân về truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và tưởng niệm 70 năm Ngày Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Đình Giót hy sinh. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để thu hút đông đảo thanh thiếu nhi và du khách thập phương về tham quan, tưởng niệm.
Hoài Thanh
Theo KT&ĐU