THX cho hay nhờ sử dụng kính viễn vọng vũ trụ Hubble, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện ra một loại hành tinh mới.
THX cho hay nhờ sử dụng kính viễn vọng vũ trụ Hubble, một nhóm các nhà thiên văn học quốc tế đã phát hiện ra một loại hành tinh mới.
Hành tinh GJ1214b bay chung quanh một sao đỏ.
Bằng việc phân tích hành tinh GJ1214b đã được khám phá từ trước, nhóm trên, do nhà thiên văn học Zachory Berta thuộc Trung tâm vật lý học thiên thể Harvard-Smithsonian, đã chứng minh rằng hành tinh này là một thế giới nước được bao quanh bởi một khí quyển hơi nước dày đặc.
Hệ mặt trời của chúng ta bao gồm ba loại hành tinh: một là những thế giới được cấu tạo từ đất đá (Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và Sao Hỏa), những thể khí khổng lồ (Sao Mộc và Sao Thổ) và những thể băng khổng lồ (Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương). Các hành tinh quay xung quanh những ngôi sao xa xôi thậm chí còn được cấu tạo từ nhiều loại vật chất hơn, trong đó có những thế giới dung nham và “những Sao Mộc nóng.”
Tuy nhiên, “GJ1214b không giống với bất cứ hành tinh nào mà chúng ta biết đến. Phần lớn khối lượng của hành tinh này được cấu tạo từ nước,” và nó có ít đá hơn Trái Đất hay bất cứ hành tinh có đá nào được biết từ trước đến nay, ông Berta nói trong một tuyên bố ngày 21/2.
Siêu địa cầu này có đường kính lớn gấp 3 lần đường kính Trái Đất và nặng hơn hành tinh của chúng ta gần 7 lần. Nó quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ trong 38 tiếng ở khoảng cách 2 triệu km. Theo tính toán, ở khoảng cách này, GJ1214b sẽ có nhiệt độ 2300C, quá nóng để sự sống có thể tồn tại trên đó.
Thế giới được bao phủ bởi đại dương này được các đài quan sát trên mặt đất phát hiện lần đầu tiên năm 2009. Nhờ những dữ liệu hồng ngoại thu thập được từ viễn vọng kính không gian Hubble mà các nhà khoa học khẳng định bầu khí quyển của GJ1214b chứa đầy hơi nước. Hành tinh ngoài thái dương hệ này chỉ cách Trái Đất 40 năm ánh sáng, khá gần tính theo tiêu chuẩn vũ trụ.
Báo cáo về GJ1214b được đăng trên trang mạng của tạp chí Astrophysical Journal ngày 21/2.
Huy Lê
Vietnam+