Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh có nhiều đặc tính giống Trái đất, nhưng nhiệt độ cực nóng.
Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một hành tinh có nhiều đặc tính giống Trái đất, nhưng nhiệt độ cực nóng.
Các nhà khoa học thuộc Đại học Central Florida (Mỹ), nhờ sử dụng kính thiên văn không gian Spitzer của NASA, đã phát hiện một hành tinh mới UCF-1.01 ngoài Hệ mặt trời, nhưng có các đặc tính tương tự Trái đất.
Hành tinh mới phát hiện UCF-1.01 nằm cách Trái đất 33 năm ánh sáng
Phát hiện này khiến các nhà thiên văn học rất ngạc nhiên, bởi phần lớn những hành tinh được phát hiện ngoài Hệ mặt trời thường là các ‘siêu Trái đất’ – có kích thước lớn hơn cả sao Mộc. Tuy nhiên, hành tinh UCF-1.0 chỉ có đường kính khoảng 8.400 km – nhỏ bằng 2/3 hành tinh của chúng ta.
“Chúng tôi đã phát hiện một hành tinh mới rất nóng, rất nhỏ và rất gần Trái đất”, tiến sĩ Kevin Stevenson, người đứng đầu nghiên cứu cho biết trên Daily Mail. Hành tinh UCF-1.01 chỉ nằm cách Trái đất 33 năm ánh sáng. Đây là hành tinh ngoài Hệ mặt trời gần Trái đất nhất được phát hiện từ trước tới nay.
Hành tinh UCF-1.01 có quỹ đạo quay quanh ngôi sao chủ GJ 436 ở khoảng cách gấp 7 lần khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trăng. Nó chỉ cần 1,4 ngày để hoàn thành một vòng quay quanh ngôi sao chủ. Do có quỹ đạo rất gần ngôi sao chủ, nên nhiệt độ trên bề mặt UCF-1.01 rất nóng, lên tới 600 độ C.
Các nhà khoa học đã loại bỏ khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh UCF-1.01. Bởi nếu hành tinh này có tồn tại bầu khí quyển và nước đi nữa, nước sẽ bị bốc hơi hoàn toàn trong điều kiện nóng tới 600 độ C.
Cho tới nay, kính thiên văn không gian Kepler của NASA đã xác định được 1.800 ngôi sao là “ứng cử viên” có hệ hành tinh có thể tồn tại sự sống như trên Trái đất. Tuy nhiên, chỉ có 3 ngôi sao trong số này được xác minh có kích thước tương đương Trái đất.
Hà Hương
Theo Vietnamnet