Nghiên cứu chất tồn đọng trên một bình gốm cổ, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng sớm nhất của sản xuất bia ở Trung Quốc và một công thức sản xuất bia 5.000 năm tuổi.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Theguardian.com)
Nghiên cứu đăng tải trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 23/5 cho biết các hiện vật mới phát hiện cho thấy người thời cổ đại đã làm chủ "kỹ thuật sản xuất bia tiên tiến" có các yếu tố kết hợp từ Đông và Tây.
Dư chất thu được từ ống khói và bình gốm cho thấy dấu vết lên men của các thành phần như kê, lúa mạch, một loại hạt dẻo và các loại thân củ.
Nhóm nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết việc phát hiện lúa mạch là một bất ngờ. Đây là dấu hiệu sớm nhất của lúa mạch tìm thấy trong các vật liệu khảo cổ ở Trung Quốc.
Phát hiện này cho thấy lúa mạch xuất hiện ở Trung Quốc khoảng 1.000 năm sớm hơn so với dự đoán trước đây và có thể đã được sử dụng như một thành phần nấu bia lâu trước khi nó trở thành một sản phẩm nông nghiệp thiết yếu.
Phát hiện trên đến từ các địa điểm khảo cổ gần một nhánh của sông Vị ở miền Bắc Trung Quốc, bao gồm hai hố có niên đại khoảng 3.400-2.900 trước Công nguyên. Tại đây các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều đồ tạo tác liên quan đến sản xuất, lọc và lưu trữ bia dưới lòng đất.
Ông Patrick McGovern, một chuyên gia về khảo cổ tại Bảo tàng Khảo cổ học và nhân chủng học của Đại học Pennsylvania, người không tham gia vào nghiên cứu, đồng ý rằng các kỹ thuật được sử dụng để sản xuất bia ở Trung Quốc là rất tiến bộ, gần với kỹ thuật hiện đại.
Theo các chuyên gia, các bằng chứng cho thấy sản xuất bia ở Trung Quốc xuất hiện xung quanh khoảng thời gian tương tự ở Iran và Ai Cập. Tuy nhiên, không thể biết chính xác mùi vị của bia cổ do không biết tỷ lệ chính xác của các thành phần.
theo Vietnam+