Với lợi nhuận lớn, dân buôn bạc giả dù biết phạm tội nhưng vẫn liều mình vì tham lợi. Trong số hàng chục vụ buôn tiền giả trong 6 tháng đầu năm 2012, những đồng polymer với mệnh giá lớn được dân buôn bạc giả "ưa thích" hơn cả.
Với lợi nhuận lớn, dân buôn bạc giả dù biết phạm tội nhưng vẫn liều mình vì tham lợi. Trong số hàng chục vụ buôn tiền giả trong 6 tháng đầu năm 2012, những đồng polymer với mệnh giá lớn được dân buôn bạc giả "ưa thích" hơn cả.
Bất chấp nguy hiểm vì lợi nhuận 20%
Chiều 24/7, Công an Hà Nội đã bắt quả tang Hoàng Văn Cường (31 tuổi) và Bùi Văn Dụng (32 tuổi, cùng ở Lạng Sơn) vận chuyển 300 triệu đồng tiền giả đi tiêu thụ. Số lượng tiền giả này giống y thật.
Tang vật thu được là 300 tờ mệnh giá 500.000 đồng, 750 tờ 200.000 đồng cùng 3 điện thoại di động, ôtô là phương tiện để vận chuyển và trao đổi tiền giả. Tại cơ quan điều tra, Cường và Dụng khai nhận: thông qua một đối tượng người Trung Quốc, hai người này đã tiếp cận được đường dây cung cấp tiền giả với “tỷ giá” 25.000 đồng tiền thật mua được 100.000 đồng tiền giả. Nếu tiêu thụ trót lọt, cứ 100.000 đồng tiền giả sẽ kiếm được chênh lệch khoảng gần 20.000 đồng.
|
Cơ quan chức năng đang kiểm tra các tờ bạc giả.
|
Đây được đánh giá là đường dây buôn tiền giả xuyên quốc gia có tổ chức, hoạt động chặt chẽ. Vụ án đang tiếp tục được mở rộng. Tháng 5 vừa qua, Công an Hà Nội cũng khám phá đường dây mua bán, tiêu thụ tiền giả cực lớn từ Lạng Sơn về Hải Dương. Cả một đường dây lớn, được tổ chức tinh vi, với sự tham gia của nhiều đối tượng đã bị bóc gỡ.
Tham gia đường dây này có Nguyễn Thị Nga (39 tuổi, ở Hải Dương, có tiền án về tội buôn bán tiền giả) và cùng chồng là Đặng Hải Long (có tiền án về đánh bạc và lưu hành tiền giả). Hai vợ chồng này bị bắt cùng gần 500 triệu đồng bạc giả, gồm gần 2.500 tờ tiền mệnh giá 200.000 đồng. Số tiền giả này nếu nhìn bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Được biết, Long thường mang tiền giả đến các sới bạc để sát phạt đỏ đen; hoặc khi có điều kiện, anh ta sẽ đánh tráo để lấy tiền thật của người khác. Mở rộng vụ án, cơ quan công an bắt tiếp Lâm Thúy Hiền (28 tuổi,ở Lạng Sơn) cùng chồng là Phương Văn Huy (34 tuổi) khi đang chuẩn bị bỏ trốn.
Cơ quan điều tra xác định, do có người quen ở biên giới, vợ chồng Hiền có nguồn cung cấp tiền giả. Lượng tiền này sau khi tuồn về Việt Nam được giao cho vợ chồng Long tiêu thụ. Đường dây tiền giả này đã hoạt động từ lâu. Mỗi khi vận chuyển, chúng thường bế theo một đứa trẻ, xách làn quần áo giấu đầy tiền giả ở phía dưới. Đây là vụ vận chuyển tiền giả lớn nhất bị được Công an Hà Nội phát hiện, bắt giữ từ trước tới nay.
Nhiều vụ buôn tiền giả được phát hiện trên cả nước
Ngày 17/7, Công an huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) thông báo rộng rãi cho các nạn nhân trong vụ bị lừa đổi tiền giả đến trình báo để mở rộng điều tra, sau khi bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Quốc (SN 1977, trú huyện Điện Bàn) do vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ tiền giả. Quốc là đối tượng trong đường dây chuyên la cà dọc các tuyến đường liên xã vùng đông Thăng Bình để dùng tiền giả mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng mua tạp hóa để được trả lại tiền thật. Đối tượng này bị bắt quả cùng tang vật gồm xe máy (được nạn nhân xác định sử dụng trong một lần lừa đổi tiền), 1,8 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.
Quốc khai đã thực hiện trót lọt 3 vụ tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả với tổng số tiền 48 triệu đồng (tiền giả) kể từ tháng 3/2011 đến nay. Tiền giả mệnh giá 100.000 đồng, 200.000 đồng được mua tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) mang về tiêu thụ với thủ đoạn mua hàng đổi tiền thật, thực hiện trên địa bàn rất rộng ở thành phố Đà Nẵng và nhiều huyện của Quảng Nam.
|
Tiền polymer là loại tiền bị làm giả nhiều nhất. Ảnh minh họa
|
Ngày 9/6, Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt gọn hai đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển và lưu hành số lượng lớn tiền giả. Danh tính hai đối tượng này là Nguyễn Văn Bằng (SN 1985) trú tại Bắc Giang và Dương Văn Dìn (SN 1976, trú tại Lạng Sơn). Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm lượng tiền 400 triệu tiền polymer giả, 2 điện thoại di động, 1 tép heroin, 1 kim tiêm và nhiều vật dụng khác.
Được biết, hai đối tượng này là những kẻ đã có tiền án, tiền sự về tội vận chuyển, lưu hành tiền giả, sử dụng ma túy, gây rối trật tự công cộng và là một mắt xích trong đường dây tiêu thụ tiền giả tại Nghệ An. Ngày 28/6, Công an huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt quả tang 2 đối tượng là Bùi Thị Vân (SN 1971, trú huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) và Nguyễn Thị Hồng Thu (SN 1987, trú huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đang có hành vi vận chuyển, lưu hành tiền giả.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên người và xe mà 2 đối tượng đang sử dụng có 125 tờ tiền giả mệnh giá 200.000d và 1 tờ tiền giả mệnh giá 100.000đ, với tổng giá trị là 25.100.000đ. Được biết, Vân đã có 1 tiền án về tội lưu hành tiền giả và 1 tiền án về tội môi giới mại dâm, còn Thu đã có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích.
Vào ngày 25/5, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang đã phát hiện một nam thanh niên tàng trữ, vận chuyển một số lượng lớn tiền giả. Khi vừa nhìn thấy công an, đối tượng Võ Hoàng Quý (SN 1987, ở Bắc Giang) co giò bỏ chạy nhưng đã bị khống chế, bắt giữ cùng 60 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200 nghìn đồng mang trong người.
Quý khai, toàn bộ số tiền giả trên đối tượng đã được một người đàn ông lạ mặt thuê vận chuyển từ thị trấn Vôi lên thành phố Bắc Giang với giá 500 nghìn đồng. Trước đó, vào ngày 23/6/2011, Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã phát hiện, thu giữ vụ vận chuyển tiêu thụ một số lượng lớn tiền giả. Đối tượng Nguyễn Đức Hồng (SN 1987, ở Kinh Môn, Hải Dương đã bị phát hiện ngay khi xuống tàu tại ga Long Biên.
Kiểm tra bọc tiền Hồng mang theo, lực lượng chức năng thu được 148 tờ tiền mệnh giá 200 nghìn đồng, tổng số là 29 triệu 600 nghìn đồng.
Tất cả các tờ tiền trên đều cùng seri, một số tờ không có seri.
Những vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ tiền giả với số lượng lớn trên đây khiến nhiều người không khỏi lo ngại về tình trạng tiền giả lưu hành trên thị trường.
Qua tổng hợp, nghiên cứu cho thấy, các loại tiền giả xuất hiện càng về sau càng giống tiền thật về hình thức, song không có các yếu tố bảo an hoặc có làm giả một số yếu tố nhưng không tinh xảo, sắc nét như tiền thật. Vì vậy, đến nay, các loại tiền giả đều có thể dễ dàng phân biệt được bằng tay và mắt thường qua việc kiểm tra các yếu tố bảo an.
Tuy nhiên, nếu người sử dụng tiền không nắm được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể là nạn nhân tiềm tàng của tội phạm về tiền giả.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước về lượng tiền giả trong 6 tháng đầu năm 2011 công bố trước đó, tiền polymer bị làm giả nhiều nhất, chiếm 97%. Trong đó, mệnh giá bị làm giả nhiều nhất là 50.000 đồng (44%) và 100.000 đồng (28%).
Theo Vietnamnet