Nhận thấy rất nhiều sinh viên thiếu trải nghiệm và kỹ năng thực tế, chàng sinh viên Đỗ Quang Minh bảo lưu kết quả học tập ở năm thứ tư để lập công ty.
"Chỉ trong một năm, chúng tôi phải chuyển trụ sở công ty tới 4 lần vì không có đủ tiền để trang trải chi phí thuê nhà. Đôi khi lợi nhuận trong tháng chỉ đạt hơn một triệu đồng để 4 người sáng lập công ty chia nhau. Đó chỉ là hai trong số những vô vàn câu chuyện mà chúng tôi trải qua trong hành trình khởi nghiệp", Đõ Quang Minh thổ lộ.
Chào đời năm 1994 và lớn lên ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, trước đây Đỗ Quang Minh từng học khoa Kinh tế Xây dựng của Đại học Xây dựng Hà Nội. Vốn là người năng động và thích hoạt động xã hội, Minh thành lập Câu lạc bộ Kỹ năng mềm của Đại học Xây dựng. Sau hơn một năm hoạt động, có lúc CLB phát triển hơn 100 thành viên đến từ 15 trường đại học khác nhau trên toàn địa bàn Hà Nội.Trong quá trình điều hành câu lạc bộ, nhận thấy tình trạng sinh viên thiếu kỹ năng và trải nghiệm thực tế rất phổ biến nên Minh quyết định bảo lưu kết quả học tập để thành lập I-Startup - hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - vào tháng 5/2016.
Đỗ Quang Minh gây sốc cho mọi người khi anh quyết định bảo lưu kết quả học tập ở Đại học Xây dựng Hà Nội để thành lập công ty. Ảnh: Đỗ Quang Minh
Bạn bè, người thân đều cảm thấy sốc trước quyết định của Minh. Họ tiếc vì anh dừng học khi đã là sinh viên năm thứ tư. Gia đình Minh ủng hộ anh khởi nghiệp, nhưng họ cũng lo lắng.
“Vì muốn sống với đam mê nên tôi quyết định tạm nghỉ học. Đó không phải là quyết định theo phong trào, mà là kết quả của nhiều đêm suy nghĩ và dám chịu trách nhiệm về tương lai của bản thân. Tôi nhận thấy nếu tôi đến trường nhưng không thể tập trung, thân một nơi nhưng tâm ở chốn khác thì đó là sự lãng phí thời gian”, anh tâm sự.
Rủ một số bạn khởi nghiệp khi mới 22 tuổi, Minh cùng các cộng sự phải vay 50 triệu đồng để thành lập công ty ISU. Sản phẩm lại mới mẻ nên ban đầu nhóm gặp trở ngại lớn trong việc thuyết phục những chủ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ, đặc biệt là những chủ doanh nghiệp lớn tuổi.
“Họ cần bằng chứng và kinh nghiệm của người bán dịch vụ, trong khi đó là những thứ chúng tôi chưa có”, Minh thừa nhận.
Sau nhiều lần thất bại trong thuyết phục khách hàng, cuối cùng cơ hội đã tới. Hồi ấy Đại học Xây dựng Hà Nội muốn tìm đối tác đào tạo kỹ năng mềm cho 100 sinh viên chuyên ngành kinh tế Anh ngữ của trường. Rất nhiều doanh nghiệp có năng lực thiết kế và đào tạo chuyên nghiệp tham gia ứng tuyển. Một số doanh nghiệp trong số đó có quy mô lớn hơn ISU rất nhiều.
“ISU dành hơn một tháng để thiết kế chương trình, đàm phán các điều khoản trong hợp đồng với trường. Rất nhiều vấn đề phát sinh khiến chúng tôi phải gặp gỡ, di chuyển nhiều lần để chốt giá và điều khoản. Cuối cùng các thầy chọn ISU làm đối tác”, Minh kể.
Hợp đồng với trường Đại học Xây dựng khiến Minh có niềm tin để tiếp tục. Nhưng khó khăn vẫn chưa buông tha. Chỉ có vài hợp đồng, trong khi vẫn phải chi tiêu hàng ngày để vận hành doanh nghiệp, vốn của ISU cạn dần. Mình phải chuyển trụ sở công ty tới 4 lần trong một năm, với mức giá thuê văn phòng lần sau thấp hơn lần trước. Một lần, sau khi trừ mọi chi phí trong tháng, Mình cùng 3 cộng sự chỉ còn hơn một triệu đồng để chia nhau. Số tiền họ vay để thành lập ISU đã trở thành khoản nợ. Nhưng điều khiến anh cảm thấy xót xa hơn là nhiều người bạn sát cánh bên anh đã ra đi trước những khó khăn.
Đội ngũ nhân sự của FIS Global. Công ty triển khai mô hình thương mại tác động xã hội, cung cấp cho doanh nghiệp giải pháp tiếp thị để tăng doanh số, đồng thời cung cấp nền tảng công nghệ để họ bán hàng, quản trị công ty.
Thực tế khắc nghiệt thôi thúc Minh tìm hướng mới. Nhận thấy rằng nếu ISU chỉ đào tạo mà không có môi trường thực hành, học viên sẽ nhanh chóng quên những kỹ năng, kiến thức họ đã học. Vì thế, vào tháng 8/2017, anh quyết định thành lập công ty FIS Global và sát nhập I-Startup và ISU vào đó.
“FIS Global triển khai mô hình thương mại tác động xã hội, cung cấp cho doanh nghiệp giải pháp tiếp thị để tăng doanh số, đồng thời cung cấp nền tảng công nghệ để họ bán hàng, quản trị công ty. Đào tạo kỹ năng trở thành hoạt động nội bộ của chúng tôi”, Minh nói.
Trước khi thành lập FIS Global, Minh thử nghiệm tiềm năng của dịch vụ mới bằng cách đăng thông báo trong một nhóm khởi nghiệp trên Facebook: “Chúng tôi có dịch vụ tiếp thị cho doanh nghiệp nhỏ và start-up để tăng doanh số. Chúng tôi cam kết doanh thu”. Anh cảm thấy bất ngờ khi thấy số lượng người hỏi về dịch vụ rất lớn. Thậm chí một số ngày số người nhắn tin lên tới hơn 100 khiến Minh trả lời không kịp. Rất nhiều người trong số họ đã trở thành khách hàng đầu tiên của anh. Vì thế, Minh tin anh đã chọn đúng hướng.
Sau đó, Minh hợp tác với một người anh gọi là giám đốc KNonline – ông Phạm Vũ Hiệp. Ông là chuyên gia đi đầu Việt Nam về lĩnh vực thương mại điện tử và thương mại tác động xã hội. Chẳng những hỗ trợ về nguồn vốn, ông còn trở thành cố vấn cho công ty.
“Nhờ nguồn vốn của thầy nên công ty hoạt động thuận lợi hơn, có nhiều việc để làm và liên tục có khách hàng mới. Từ vài người ban đầu, bây giờ chúng tôi có 30 nhân sự”, Minh kể. Anh cũng tiết lộ mục tiêu của FIS Global trong năm 2018 là đạt doanh thu 5 tỷ đồng mỗi tháng, trong đó lợi nhuận ròng đạt 25-30% và số nhân sự đạt 100.
Theo KTTD, Vietnambiz