Tasco hiện đang là chủ đầu tư nhiều dự án BOT giao thông quan trọng với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, tuy nhiên Chủ tịch HĐQT công ty này vẫn cho rằng, làm BOT chỉ là “lấy công làm lãi” và để đỡ thất nghiệp.
Sở hữu nhiều tuyến đường BOT quan trọng và “hái” ra tiền, điều này lý giải vì sao Tasco được gọi là “ông trùm” thu phí đường bộ.
Chân dung “ông trùm” thu phí BOT
Công ty Cổ phần Tasco được thành lập từ năm 1971 trên cơ sở sáp nhập đội cầu Nam Hà và xí nghiệp Xây dựng cầu đường Ninh Bình. Sau khi tiến hành cổ phần hóa năm 2000, Tasco hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, bất động sản...
Tasco đang là chủ đầu tư hàng loạt các dự án BOT, như: Dự án nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn qua Thái Bình; đoạn tuyến tránh TP. Nam Định từ Quốc lộ 10 đến Thị trấn Mỹ Lộc; Quốc lộ 21; Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình; Quốc lộ 10 đi Hải Phòng; đường 39B Thái Bình; tuyến tránh Đông Hưng (Thái Bình)...
Hiện Tasco vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh “rót” vốn vào nhiều các dự án BOT như: Công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà, Phú Thọ (tổng vốn đầu tư 1.109 tỷ đồng, cuối năm 2016 đưa vào khai thác); Công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ cầu Quán Toan đến cầu Nghìn, Hải Phòng (tổng vốn đầu tư là 2.851 tỷ đồng, cuối năm 2017 đưa vào khai thác)...
“Soi” báo cáo tài chính của Tasco trong vài năm gần đây cho thấy, sau khi hoàn thành và đưa vào khai thác một số tuyến đường, lợi nhuận sau thuế của Tasco có chuyển biến rõ rệt so với con số “lẹt đẹt” trước đó.
Trong cơ cấu doanh thu của Tasco, hoạt động thu phí đường bộ đã đem về khoản thu khá lớn. Trong quý I/2016: doanh thu từ hoạt động thu phí chiếm 99 tỷ đồng, trong khi đó bán hàng và cung cấp dịch vụ 75 tỷ và doanh thu từ họp đồng xây dựng chỉ có 14,7 tỷ đồng...
Báo cáo tài chính quý I/2016 cho thấy, tổng tài sản của công ty đạt 5.161 tỷ đồng - trong đó vay nợ 3.497 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 1.663 tỷ đồng.
Nghịch lý BOT: Dân than phí cao, chủ đầu tư nói chỉ lấy công làm lãi
Một chuyên gia giao thông chia sẻ với phóng viên, khác với các nước trên thế giới là chấp nhận “lời ăn, lỗ chịu” khi đầu tư, ở Việt Nam thì ngược lại. Các nhà đầu tư BOT gần như đang được “bảo hộ” để luôn có lãi.
Đơn cử, khi dự án thi công xong, đi vào hoạt động, nếu quá trình thu phí phương tiện doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn thu sẽ được điều chỉnh lại thời gian thu phí.
Trường hợp có xảy ra thiên tai như động đất, bão lũ… nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh tăng phí hoặc kéo dài thời gian thu phí để bù vào. Như vậy xét về tình hình chung, có thể nói đầu tư BOT kiểu gì cũng có lãi.
Riêng với Tasco thì BOT lại càng là miếng bánh hấp dẫn. Bởi hầu hết các dự án giao thông do Tasco làm chủ đầu tư đều là các tuyến giao thông huyết mạch, là đường tỉnh lộ, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của các địa phương, các khu công nghiệp tập trung.
Cũng phải kể thêm, các dự án BOT của Tasco chủ yếu là đường được cải tạo, nâng cấp. Đặc điểm của các dự án này là không tốn quá nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, đắp nền đường, mở rộng vỉa hè… như xây dựng mới nhưng lại có mức phí tương đương với các đường đầu tư mới.
Trong khi đó, khi thực hiện các dự án BOT, Tasco được vay với lãi suất ưu đãi, cố định trong toàn bộ thời gian thực hiện, chiếm gần một nửa tổng vốn vay của doanh nghiệp này.
Chưa kể, hiện nay ở Việt Nam, theo phản ánh từ người dân, trạm thu phí tại nhiều tuyến đường mọc lên dày đặc. Đơn cử như hành trình từ Hà Nội qua cầu Tân Đệ (Thái Bình) chỉ với 100km đường nhưng có tới 4 trạm thu phí bủa vây, riêng Tasco “đóng góp” 2 trạm.
Đầu tư được “bảo hộ”, vay ngân hàng được ưu đãi, trạm thu phí mọc dày đặc, vậy nhưng chia sẻ tại tọa đàm về BOT do Báo Giao thông vừa tổ chức ngày 2/6, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Tasco vẫn than đầu tư lĩnh vực này chỉ là “lấy công làm lãi”, để nhân công đỡ bị thất nghiệp!?
Chủ tịch Tasco nói: Thời gian qua, vốn ngân hàng không ai vay, không ai làm gì thì các nhà đầu tư mới quan tâm đến các dự án BOT giao thông. Doanh nghiệp đi làm để lấy công làm lãi, khai thác nhân công, không bị thất nghiệp thôi.
“Lợi nhuận tính cho nhà đầu tư chỉ khoảng 10 - 12% trên vốn chủ sở hữu là không hấp dẫn”, ông Phạm Quang Dũng cũng chia sẻ: Các dự án BOT bị kiểm soát, quản lý rất chặt chẽ, minh bạch, thỉnh thoảng lại có cuộc kiểm tra đột xuất nên không hề có chuyện thất thoát.
Ông Dũng tiếp tục nhắc lại: Trong thời điểm khó khăn, chúng tôi chấp nhận làm BOT để có việc làm còn hơn thất nghiệp.
Đó là những lý giải của Chủ tịch Tasco vì sao: Dù lợi nhuận thấp, công sức bỏ ra nhiều những vẫn làm BOT là vì vậy. Được biết, trước đó, Chủ tịch Tasco Phạm Quang Dũng cũng đã từng “dọa”: “Nếu nhà nước không sửa cơ chế thì tới đây chúng tôi cũng đành nói lời từ biệt với các dự án theo hình thức BOT”.
Tuy nhiên, sau lời than vãn của Chủ tịch Tasco, nhiều câu hỏi được đặt ra: Tại sao BOT đầu tư kém hấp dẫn vậy nhưng tốc độ các trạm thu phí hiện nay vẫn mọc lên như nấm, nhiều nhà đầu tư, trong đó có cả “ông trùm” Tasco vẫn tiếp tục tranh giành, rót vốn vào các dự án BOT?
Liệu BOT với Tasco có thật chỉ là “lấy công làm lãi, làm cho đỡ thất nghiệp” hay không trong khi người dân, doanh nghiệp vẫn hàng ngày “than trời” về gánh nặng phí BOT.
Được biết, mới đây Thủ tướng yêu cầu không tăng phí BOT trong năm nay. Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải sớm tổng kết và báo cáo Thủ tướng về vấn đề tổng vốn đầu tư, kiểm soát số lượng xe, thời gian hoàn vốn ở các dự án BOT, để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bizlive