Sự kiện hot
10 năm trước

Phát triển du lịch Việt Nam: Đừng để khách "một đi không trở lại"

Sáng 15/7, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Vì môi trường Du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện.”


Khách du lịch nước ngoài đến tham quan Đại Nội, trong quần thể di tích Cố đô Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang Hoàng Văn Kiên; Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Hà Nội Nguyễn Lê Hương; Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour Phạm Tiến Dũng tham gia giải đáp các câu hỏi tại tọa đàm.

Sáu tháng đầu năm 2015, lượng khách nước ngoài tới Việt Nam tuy vẫn có xu hướng tăng nhưng sụt giảm tới hơn 10% so với cùng kỳ năm 2014.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch, mà gần đây là việc miễn visa trong vòng 1 năm cho công dân 5 nước Tây Âu và 5 năm cho Belarus.

Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch an toàn thân thiện - yếu tố quyết định thu hút du khách - lại là điểm bất cập mà Việt Nam chưa thể giải quyết dứt điểm.

Tọa đàm đã tập trung phân tích vấn đề, mổ xẻ những khó khăn mà các địa phương và doanh nghiệp phải đối mặt, từ đó đưa ra những đề xuất giúp ngành du lịch vượt khó.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam

Giải đáp vấn đề liên quan đến các yếu tố làm hạn chế năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết Bộ đã có tổng kết, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Vấn đề về hạ tầng giao thông, môi trường ứng xử trong văn minh du lịch, chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay còn hạn chế.

Nhận biết được vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết 92 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới. Nghị quyết gồm 5 nhóm vấn đề, đang từng bước được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong 7 tháng qua. Cần có thời gian để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, muốn thực hiện thành công các chính sách phát triển du lịch cần có nhận thức và hành động đúng, trong đó, vai trò của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định. Bài học thành công nhất là thành phố Đà Nẵng.

Điều này thể hiện vấn đề chỉ khi nào chính quyền thực sự vào cuộc, nhân dân ủng hộ, hưởng ứng thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.

Khắc phục tình trạng khách du lịch "một đi không trở lại"

Nhằm khắc phục tình trạng khách du lịch chỉ đến một lần và không trở lại lần thứ hai, các khách mời của tọa đàm đều có chung quan điểm cần sự chung tay, góp sức của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân hướng đến xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện.

Giám đốc Công ty du lịch Vietravel Hà Nội Nguyễn Lê Hương nhận định việc "chặt chém" khách du lịch, môi trường vệ sinh, thực phẩm thiếu an toàn... hiện đang là "căn bệnh" mãn tính, cần có sự chung tay cả cộng đồng để du lịch Việt Nam phát triển.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến nêu quan điểm trong thời đại thông tin đại chúng hiện nay có thể tận dụng các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm tạo hiệu quả nhanh. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa các địa phương; tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được thông điệp du lịch phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho người làm công tác này mà mang tại lợi ích cho mỗi người Việt Nam.

Đối với công tác an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường cảnh quan, người dân cũng cần được tuyên truyền để nhận thức rõ thực phẩm sạch, môi trường trong lành là phục vụ cho chính bản thân mình chứ không chỉ khách du lịch.

Cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng

Đánh giá về việc triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 4/9/2014 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định sau một năm triển khai Chỉ thị đã có những kết quả bước đầu.

Ở một số địa phương, chính quyền đã nhận thức, chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị; thiết lập được đường dây nóng ở một số địa phương trọng điểm. Đến nay đã có 7 địa phương thành lập trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Mô hình nhà vệ sinh du dịch đã có sự cải thiện đáng kể, 70% số điểm du lịch được đầu tư xây dựng nhà vệ sinh phục vụ du khách.

Từ nay đến 2016, cơ bản các điểm tham quan sẽ được bố trí nhà vệ sinh du lịch. Tuy nhiên, việc triển khai Chỉ thị 18 cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu do sự vào cuộc của một số địa phương còn chậm.

Trách nhiệm của các bộ ngành là cần tăng cường hơn nữa việc tham mưu, đề xuất các chính sách mới, nhân rộng các điển hình làm tốt, chỉ ra những nơi còn hạn chế, rút kinh nghiệm để thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch mới được ban hành ngày 2/7/2015 tốt hơn.

Cần làm tốt công tác truyền thông cho cộng đồng, bởi chỉ khi nào người dân nhận thức được vấn đề, chung tay hành động vì quyền lợi chung sẽ giải quyết được vấn đề. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp; sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương cũng cần được đề cao, ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh...

Phúc Hằng
theo Vietnam+

Từ khóa: