Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX xét thấy vụ án không nảy sinh tình tiết mới, cấp sơ thẩm đã xét xử đúng người đúng tội liền tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Tiến.
Bị cáo Tiến tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Ngọc Hoa
Ngày 17/8, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên án bị cáo Nguyễn Ngọc Tiến (SN 1978, quê Bình Dương) về tội “Giết người”.
Trước đó, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Tiến 15 năm tù. Sau bản án này, phía bị hại có đơn kháng cáo đề nghị tăng hình phạt và mức bồi thường đối với Tiến.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng năm 2011, bà Cù Thị Phong (SN 1957, quê Bình Dương) chung sống như vợ chồng với Tiến tại xã An Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Chung sống với nhau được 2 năm, giữa bà Phong và Tiến thường xuyên mâu thuẫn nên bà Phong chia tay với Tiến.
Bà Phong về sống cùng gia đình ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Sau đó, Tiến nhiều lần gọi điện thoại đề nghị bà Phong về trở lại chung sống nhưng bà này không đồng ý.
Khoảng 20h ngày 21/12/2013, Tiến nhiều lần gọi nhưng bà Phong không nghe điện thoại. Tiến nảy sinh ý định giết chết bà Phong rồi tự tử. Tiến lấy một con dao rồi chạy xe máy đến nhà bà Phong gây gỗ rồi móc dao đâm liên tiếp vào người bà này.
Nghe mẹ kêu cứu, con trai và bạn của con trai bà Phong chạy đến ứng cứu cũng bị Tiến đâm trọng thương. Lúc này, chị bà Phong là bà Cù Thị Phượng (SN 1952) chạy trong nhà ra cũng bị Tiến đâm 1 nhát vào bụng.
Hậu quả của vụ án, bà Phong bị thương tật 56%, bà Phượng bị thương tật tỉ lệ 23%, anh Thọ bị thương tật tỉ lệ 6%, ông Hòa bị thương tật tỉ lệ 0,3%. Sau khi gây án, Tiến chạy vào vườn cao su, vứt hung khí rồi bỏ trốn về huyện Củ Chi, TP HCM. Sáu ngày sau, Tiến ra công an đầu thú.
Theo trình bày của bà Phong, bà có mua một chiếc xe tải bằng tiền của bà nhưng chưa sang tên. Sau đó, Tiến nói bà sang tên nhà của Tiến cho bà, bù lại bà đưa xe tải cho Tiến và 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, khi bà đưa tiền và xe thì Tiến lấy lại giấy tờ sang lại căn nhà đem về đốt. Tiến lấy xe tải đem bán. Bà Phong yêu cầu Tiến đưa lại xe và tiền nhưng Tiến không đưa khiến cả hai mâu thuẫn.
Cũng theo bà Phong, thời gian sau đó Tiến thường xuyên đánh đập bà. Do không chịu được tính vũ phu của Tiến nên bà Phong mới về lại nhà mình sinh sống.
“Ngày vụ án xảy ra, tôi không đánh, không hù dọa gì bị cáo Tiến như lời khai của Tiến tại tòa. Khi bị cáo Tiến bị bắt, còn gọi điện về hù dọa nếu không làm đơn bãi nại, thì khi ra tù sẽ đốt nhà tôi khiến tôi rất lo lắng”, bà Phong nói.
Một nạn nhân khác của vụ án là bà Phương cũng kháng cáo. Theo bà Phương, hành vi của Tiến là rất nghiêm trọng nhưng Tiến khai báo quanh co, không nhận tội. Chỉ khi có người làm chứng, Tiến mới nhận tội nên cần tuyên mức án nghiêm khắc hơn.
Đáp lại yêu cầu của hai bị hại, Tiến cho biết mình hoàn toàn không có ý định cầm dao đến gây sự và có chủ đích đâm nạn nhân.
HĐXX tiếp tục hỏi lại Tiến có ý định đâm bà Phong lúc nào?. Tiến đáp: “Bị cáo không có ý định từ trước. Chỉ khi đến gặp bà Phong, bị bà Phong và mọi người đánh, bị cáo cầm con dao quơ đại để thoát thân vô tình đâm trúng. Bị cáo chỉ muốn qua nói chuyện đàng hoàng, để giải quyết mâu thuẫn giữa bị cáo và bà Phong chứ không có ý định gì cả”.
Luật sư bào chữa cho Tiến trình bày, bị cáo có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật hạn chế, ra đầu thú, đã thành khẩn khai báo nên mong HĐXX cân nhắc, tuyên giảm cho bị cáo một phần hình phạt.
Lời nói sau cùng, bị cáo Tiến cho biết mình không mong muốn sự việc xảy ra, bị cáo mong pháp luật khoan hồng, tuyên giảm cho bị cáo một phần hình phạt.
HĐXX sau khi nghị án đã cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên đúng người đúng tội, vụ án không xuất hiện tình tiết nào mới có thể làm thay đổi bản chất vụ án nên HĐXX tuyên bác kháng cáo của bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Tiến mức án 15 năm tù.
Ngọc Hoa
Theo ĐSPL, Vietnammoi