Các chuyến bay lúc thì về dồn dập vào sáng sớm, có chuyến chỉ được biết trước vỏn vẹn chưa đầy 1 tiếng. Ít ai biết rằng, để hoàn thành nhiệm vụ đón đồng bào từ vùng dịch về nước, những CBNV Sun Group tại Sân bay Vân Đồn đã phải vượt qua nỗi sợ, làm việc với tâm thế sẵn sàng 24/7 và tuân thủ quy trình đón khách đặc biệt chưa từng có.
Phải vượt qua nỗi sợ
Những ngày này, khi cả thế giới căng mình vì dịch Covid-19, cộng đồng được khuyến khích ở nhà để phòng tránh lân lan dịch bệnh, thì những CBNV Sun Group tại Sân bay Vân Đồn luôn sẵn sàng “trực chiến”, đón những chuyến bay đưa hành khách từ vùng dịch về Việt Nam. Những chuyến bay khiến họ trải qua nhiều cảm xúc đặc biệt.
“Khi nhận tin đón chuyến bay đầu tiên từ Vũ Hán, tâm lý chúng tôi tương đối nặng nề. Lo chứ, bởi vì khi đó Vũ Hán là tâm dịch của thế giới, mà công việc của chúng tôi lúc đó phải trực tiếp xử lý vệ sinh trên tàu bay. Đó là chuyến bay chúng tôi chịu nhiều áp lực nhất, cũng là chuyến bay mà rác….để lại nhiều nhất.” – chị Giản Thị Hồng Hạnh, Đội trưởng Đội vệ sinh tàu bay tại Sân bay Vân Đồn chia sẻ.
Chị Hạnh cho hay, lúc chuyến bay vừa hạ cánh, đội vệ sinh của chị choáng vì không ngờ lượng rác lại khủng khiếp như vậy. “Trong chuyến bay đó, hành khách mặc đồ bảo hộ, nên khi xuống máy bay, họ để lại ngay tại ghế ngồi tất cả từ khẩu trang, bỉm (vì người lớn cũng không được đi vệ sinh trên tàu), tổng cộng gần 45 túi rác to vật vã gấp 3 lần bình thường. Về sau chúng tôi bảo nhau là chuyến đầu tiên kinh khủng như thế mình còn làm được thì những chuyến sau này không có gì là đáng sợ cả”- chị Hạnh chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Hà My – cô gái nhỏ bé đảm trách việc phục vụ hành khách tại phòng khai thác mặt đất đến giờ vẫn chưa quên nỗi sợ hãi tột cùng khi biết tin vị khách trên chuyến bay về từ Hàn Quốc mà cô và đồng nghiệp từng đón tiếp đã dương tính với Covid-19 (BN số 18). “Em rất sợ và lo lắng. Em khóc và gọi điện cho bố mẹ nói về nỗi lo của mình. Nhưng bố mẹ em hỏi han rất nhiều thứ và chỉ cho em thấy là em đã mặc đồ bảo hộ, quy trình đón khách tại sân bay cực kỳ an toàn nên sẽ không có khả năng lây nhiễm. Quả thật, bệnh nhân số 18 đã ổn định và xuất viện, không lây nhiễm cho cộng đồng. Từ vụ này, em học được một bài học là cần bình tĩnh trong mọi tình huống” -Hà My bồi hồi nhớ lại.
Sau này, khi liên tiếp nhận nhiệm vụ đón những chuyến bay từ vùng dịch châu Âu về Vân Đồn, Hà My và các anh chị em khác đã gác qua mọi nỗi sợ, tự tin hoàn thành nhiệm vụ. Thậm chí, dù là con gái nhưng khi bộ phận tiếp nhận hành lý bị quá tải Hà My và các đồng nghiệp chân yếu tay mềm khác không ngại ngần, chạy sang hỗ trợ.
Quy trình không ảnh hưởng tới chuyến bay thương mại
Ít ai biết, ngoài áp lực tâm lý, đằng sau mỗi chuyến bay về từ vùng dịch là vô vàn khó khăn, thách thức với CBNV Sun Group tại Sân bay Vân Đồn. Thách thức không chỉ là những nỗi hiểm nguy có thật đối với những người đang xông pha làm nhiệm vụ tuyến đầu, mà còn ở việc tất cả đều phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo để đảm bảo an toàn cho chính mình và khách.
Mọi CBNV ở Sân bay Vân Đồn đều mặc đồ phòng hộ kín mít, đeo khẩu trang, đeo kính suốt thời gian làm nhiệm vụ, phải hạn chế cả việc… đi vệ sinh. Thêm vào đó, lịch trình gấp gáp, thay đổi liên tục đôi khi khiến những người thực hiện nhiệm vụ lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Có hôm nhận yêu cầu của lãnh đạo, nhiều chị em sống ở huyện Cẩm Phả hộc tốc đi về Vân Đồn chuẩn bị đón chuyến bay, nhưng ngồi chờ mòn mỏi thì lại nhận lịch báo hủy... Hà My kể, có đồng nghiệp làm ở bộ phận điều hành sân bay vừa về đến nhà, mới bưng bát cơm lên miệng lại phải quay ngược lên đường đón xe đi về sân bay…
Ông Phạm Ngọc Sáu, GĐ sân bay Vân Đồn cho biết, nơi đây đã áp dụng một quy trình đặc biệt chưa từng có, dành riêng cho các chuyến bay về từ vùng dịch. Theo đó, quy trình đón khách thông thường được nâng cấp thành "phiên bản" ngoài trời một cách tối ưu. Máy bay sẽ đậu ở bãi đỗ xa, sau đó xe bus sẽ lần lượt chở các hành khách vào làm thủ tục: kiểm tra thân nhiệt, làm tờ khai y tế điện tử, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, lấy hành lý để lên các xe quân sự, sau đó chở thẳng đến các khu vực cách ly... Tất cả không ảnh hưởng tới hoạt động của các chuyến bay thương mại.
“Đến nay chúng tôi tin tưởng và đảm bảo rằng việc lây nhiễm khó có thể xảy ra cho đội ngũ nhân viên. Việc lây chéo giữa các hành khách với nhau khi xuống sân bay cũng được hạn chế ở mức thấp nhất”- ông Phạm Ngọc Sáu chia sẻ. Theo ông Sáu, đội ngũ nhân viên có được tính kỷ luật, sự vững tin và sẵn sàng cống hiến với lòng yêu nước là nhờ văn hóa của Tập đoàn Sun Group
Nhờ tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ và chuyên nghiệp, sự nhiệt tình hỗ trợ lẫn nhau giữa các bộ phận, Sân bay Vân Đồn đã tiếp đón 25 chuyến bay về từ vùng dịch suôn sẻ.
Còn những CBNV Sun Group tại Sân bay Vân Đồn, với những kiến thức, kỹ năng được trau dồi và quy trình đón tiếp được triển khai nghiêm ngặt, giờ đây họ không e ngại bất cứ chuyến bay nào về từ tâm dịch. Thay vào đó, họ cảm thấy tự hào vì được sát cánh cùng Sân bay Vân Đồn- “ngôi nhà” mới hơn 1 tuổi đời của họ đảm trách trọng trách lớn mà Nhà nước giao phó: đưa đồng bào về nước, góp sức cùng đất nước chống dịch.
“Khó khăn đó, nguy hiểm đó thấm tháp gì so với vất vả của đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu, hàng ngày đối mặt với bao nguy hiểm. Nghĩ vậy chúng tôi thấy công việc của mình còn quá bé nhỏ”- một nhân viên trẻ của Sân bay Vân Đồn đã nói như thế.
Sân bay quốc tế Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư 7.463 tỷ đồng. Đây là sân bay quốc tế tư nhân đầu tiên do Sun Group đầu tư tại Việt Nam và hoàn thành chỉ sau 2 năm thi công xây dựng.
Sân bay quốc tế Vân Đồn là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế - ICAO), có thể đón tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới như Boeing 787, với 7 vị trí đỗ, trong đó 3 bãi đỗ xa và 4 bãi đỗ gần. Hiện sân bay Vân Đồn đang có các chặng bay nội địa tới TP.HCM, Đà Nẵng và các đường bay quốc tế tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hạnh Nguyên