Khán giả vẫn thường để ý đến những con số khủng mà không mấy quan tâm đến câu chuyện phía sau đó. Thật ra, làm phim là một canh bạc lớn.
Chi phí đầu tư lớn, nhưng điều quan trọng hơn cả là thu lại được bao nhiêu. Phim truyền hình gặp áp lực khi quay xong, nhà đài có mua không? lượng rating bao nhiêu? quảng cáo thế nào?,... Đó là những câu hỏi khó có lời đáp và luôn khiến nhà sản xuất đau đầu. Phim chiếu rạp chịu nhiều áp lực hơn, họ còn phải đối đầu với số lượng phim nhập khẩu ngày càng nhiều và chịu nhiều sức ép nhất từ chủ rạp khi phải chia tỷ lệ doanh thu 50/50.
Diễn viên Thái Hòa cùng Johny Trí Nguyễn, Phương Trinh trong phim "Fan cuồng".
Nhà quay phim Trần Tuấn cho biết, sở dĩ chi phí làm phim tại Việt Nam ngày càng tăng, một phần đáp ứng nhu cầu của khán giả, một phần vì muốn nâng cao chất lượng phim. Trước đây, phim Việt chủ yếu được quay bằng máy thông thường, nhưng nay được nâng lên SD 16:9 và đến cả HD. Điều này đồng nghĩa giá thành tăng cao. Trước khi phim bấm máy, ê-kíp thường tiền trạm nhiều nơi tìm bối cảnh phù hợp chứ không chọn nơi “tạm chấp nhận” như trước. Để phim đạt chất lượng cao, nhiều ê-kíp thực hiện phải dựng bối cảnh hoành tráng. Ngay trang phục, hóa trang,... cũng được đầu tư hơn rất nhiều so với trước.
Một phần “ngốn” tiền không kém là kỹ xảo hình ảnh và hậu kỳ. Mặc dù phần kỹ xảo của phim Việt chưa thể so sánh với nước ngoài nhưng 2 năm trở lại đây có nhiều nét mới, đáng ghi nhận. Những bộ phim có chi phí lớn hầu hết là các bộ phim cần sử dụng nhiều kỹ xảo như "Tấm Cám chuyện chưa kể", "Cô gái đến từ hôm qua", "Fan cuồng"...
Một điều dễ nhận thấy, nhờ đầu tư chi phí lớn mà phim Việt đang ngày càng khởi sắc. Trong đó, thứ ăn điểm lớn nhất là cảnh, khuôn hình đẹp, nhạc hay... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải phim hay, đẹp, đầu tư lớn, dàn diễn viên nổi tiếng là sẽ thắng về doanh thu. Để thành công, phim cần hợp thị hiếu khán giả số đông, có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đôi khi cần cả sự may mắn.
Thời gian qua, ngoài Huỳnh Lập, còn có nhiều người chia sẻ đã bán nhà, bán xe để làm phim như: Văn Anh – Tú Vi, Mai Thế Hiệp... Đối với nghệ sĩ, việc đầu tư tiền “khủng” vào dự án nghệ thuật là quyết định táo bạo và dũng cảm.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, không ai dám khẳng định, bộ phim mình sắp thực hiện sẽ thắng về doanh thu. Tuy nhiên, tất cả những người làm phim đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được chỉn chu nên sẽ cố gắng đầu tư lớn nhất có thể là điều dễ hiểu.
Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình xác nhận, khán giả ngày càng đòi hỏi chất lượng phim cao hơn nên những người làm phim buộc phải chỉn chu. Mà, để có những điều này, bên cạnh ý thức của người làm phim, chi phí là điều cần thiết. Và, điều dễ nhận thấy, phim Việt ngày càng đẹp hơn, cuốn hút hơn.
Trước đây, các bộ phim có đầu tư lớn như: "Truy sát", "Fan cuồng", "Rừng xanh kỳ lạ truyện"... có đầu tư khá lớn nhưng đều “thua thảm” ngay lúc ra rạp. Hay, việc Phước Sang tán gia bại sản vì phim ảnh vẫn còn khiến nhiều người ngỡ ngàng. Câu chuyện buồn của Chánh Tín cũng sẽ chẳng thể quên. Đây là những bài học lớn, càng khẳng định hơn việc làm phim là một canh bạc. Đầu tư chi phí lớn, tạo ra sản phẩm nghệ thuật chất lượng và đưa điện ảnh nước nhà lên một tầm cao mới là điều đáng ghi nhận. Nhưng, các nghệ sĩ cần tỉnh táo trong cuộc đua chục tỷ đồng.
Huy Cường
Theo Người đưa tin