Sự kiện hot
7 năm trước

Phim 'Đời cho ta bao lần đôi mươi': Thanh xuân nhẹ nhàng

Chất nữ tính trong phim được khám phá qua cả 4 nhân vật (3 nữ, 1 nam). Họ có những tính cách riêng, ước mơ riêng, hướng đi riêng, và phản ứng đặc thù khi đối mặt với từng hoàn cảnh.

​​​​​Đời cho ta bao lần đôi mươilà phim điện ảnh thuộc dòng chick-flick (dành cho phái nữ) khắc họa chủ đề về tuổi thanh xuân của các thiếu nữ với cá tính khác nhau.

Nội dung phim xoay quanh câu chuyện của nhóm bạn "thanh mai trúc mã" gồm 4 người: Mỹ Phương (Quỳnh Anh Shyn), Thanh Tân (Văn Anh), Lan Anh (Băng Di) và Bích Châu (Tú Vi). Họ đã ở bên nhau suốt từ khi còn bé cho đến tận khi về già. Tuy nhiên, trong khi Thanh Tân, Lan Anh và Bích Châu đều có cuộc sống khá bằng phẳng, sung túc cùng những mối tình đẹp như mơ thì Mỹ Phương lại kém may mắn hơn, sở hữu ngoại hình không được xinh đẹp và gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống.

Sau khi bị hội bạn thân “xúi dại” và bị chàng trai thứ 100 - cũng là người sếp điển trai Hoàng Tú (Trần Trung) từ chối, Mỹ Phương bị sét đánh nhập viện. Cô tỉnh dậy và cuộc sống của Mỹ Phương cùng nhóm bạn bị thay đổi một cách không thể ngờ đến…

Tuy có đề tài “nhẹ” nhưng Đời cho ta bao lần đôi mươi không chỉ là câu chuyện phiếm về quan hệ bạn bè, mà còn phản ánh bản chất của sự trưởng thành. Không ai có thể tự hoàn thiện mình nếu tách rời bản thân ra khỏi các mối quan hệ, nhất là các quan hệ đặc biệt như bạn thân. Để có được sự “cộng hưởng” đa thanh ấy, cấu trúc phim được kết hợp hài hòa yếu tố hài hước, bạo liệt, và đầy nữ tính.

Chất nữ tính trong phim được khám phá qua cả 4 nhân vật (3 nữ, 1 nam). Họ có những tính cách riêng, ước mơ riêng, hướng đi riêng, và phản ứng đặc thù khi đối mặt với từng hoàn cảnh. Một điều thú vị là, nữ tính ở đây dường như còn “va chạm” vào bản thể nam tính.

Phim có nhiều cảnh quay lãng mạn về tình yêu đôi lứa

Biểu tượng đáng chú ý nhất bộ phim là ngôi nhà gỗ giữa đồi xanh. Nơi đám bạn thân quần tụ với nhau, và là “ngôi nhà chung” cất giấu bao bí mật. Biểu tượng này không phải mới nhưng được tái dựng một cách khá trơn tru, mát mắt. Điều đó giúp bộ phim tâm lý lấy bối cảnh xã hội không bị “ngộp”, ngược lại có sự điều hòa, mang đến cảm xúc tinh khôi và hồn nhiên cho người xem.

Tuy nhiên dù “ghi điểm” về mặt hình ảnh nhưng phim vẫn chưa đẩy được đến cao trào, chưa đủ sức gây ám ảnh như nhiều bộ phim có cùng đề tài.

Nhịp phim quá nhẹ nhàng dẫn đến mọi thứ cứ lưng chừng. Các vai chính đóng tròn vai nhưng kịch bản lại quá “hiền lành” khiến cho phim có phần “mỏng” với các đối tượng khán giả có một tình bạn “đẹp hơn phim”.

Nhưng có lẽ, cái đáng tiếc nhất của Đời cho ta bao lần đôi mươi đó là chưa “giật” đủ cái kết. Cứ khiến người ta khóc hết đi. Đằng này mới chỉ vài ba giọt nước mắt lại bị “cười”, mà “cười” rồi sẽ khó khóc lại. Thế nên cái dư âm của phim chưa khiến người ta quyến luyến khi ra về.

Bộ phim gợi nhắc về một thanh xuân đáng nhớ

Tuy nhiên cái cảm xúc chưa “đã” ấy của Đời cho ta bao lần đôi mươi có thể thông cảm, vì cái đề tài của phim là tình bạn thân, thế nên nếu phim khuấy đảo được cảm xúc của người xem là thành công rồi. Còn để trở thành một bộ phim khắc khoải hoài niệm từ việc lấy cảm hứng thời gian, thì cần có sự đầu tư nhiều hơn ở góc độ nghệ thuật.

Đây là một bộ phim trẻ, đoàn làm phim trẻ, diễn viên trẻ, nhạc trẻ, và là câu chuyện nói về tuổi trẻ. Chính vì cái gì cũng “trẻ” hết nên khán giả hãy xem bộ phim này ở cách nhìn vô tư nhất. Nếu có câu hỏi vì sao nên xem bộ phim này, thì chỉ cần băn khoăn một cách tự vấn: Ai không có một thời để nhớ?

Theo Phunuonline

Từ khóa: