Thương hay ghét, cũng chỉ là câu chuyện trên phim mà thôi. Ấy thế mà, hết nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác bị chửi không tiếc lời, trên trang cá nhân của chính mình, chỉ vì lỡ nhận vai “dễ ghét”?
Trong “Gạo nếp gạo tẻ” - phim đang gây sốt trên HTV2 thời gian gần đây, có đến 4 diễn viên bị “ghét cay ghét đắng”. Trong phim, khán giả thương cảm Hương (Lê Phương đóng) bao nhiêu thì ghét Công (Hoàng Anh) và Nhi (Băng Di) bấy nhiêu. Bởi lẽ, ở vị trí của người thứ 3, Nhi đã trơ trẽn dùng tiền bạc, cuộc sống giàu sang để lôi kéo Công, một người đã có vợ, về phía mình.
Không chỉ trở thành nhân vật bị ghét nhất phim, ngoài đời, Băng Di kể, cô còn phải nghe những lời chửi mắng nặng nề từ khán giả.
Băng Di tâm sự: “Lần đầu tiên tham gia một phim mà tôi nhận phản ứng mạnh từ khán giả như vậy. Khi đóng phim tôi không lường được điều này và cũng không nghĩ phim hot như thế. Tuy nhiên, tôi sốc khi phải nghe những lời mắng chửi rất nặng. Họ mắng tôi là "cave", giật chồng chị Lê Phương, thậm chí còn nhắn nhủ: "Đừng để tao gặp mày ở ngoài nha". Tôi nghĩ, việc đánh giá diễn viên ở ngoài đời dựa vào thể hiện của họ trên phim chỉ có ở những thế kỷ trước. Còn bây giờ là thời hiện đại, mọi thứ phát triển, sao mọi người xem và vẫn quy chụp diễn viên như vậy. Ai cũng biết anh Hoàng Anh ở ngoài có vợ và con, chị Lê Phương có chồng, con và tôi có bạn trai. Vậy tại sao có người chửi nhân vật trong phim lại lôi tên thật diễn viên ra? Nếu họ nói vài lần thì không sao nhưng tôi bị chửi liên tục như vậy nên cảm thấy bị tổn thương”.
|
Băng Di và Thúy Ngân bị ghét vì nhân vật trong phim “Gạo nếp gạo tẻ” và bị xúc phạm ở cả cuộc sống thực. (Ảnh tư liệu) |
Đến cả bạn trai của Băng Di ở ngoài đời cũng phải lên tiếng bênh vực cô, khi thấy khán giả vào trang cá nhân và “mắng” cô dữ đội chỉ vì một vai diễn trong phim.
Bị ghét không kém Băng Di là mấy là vai diễn của Thúy Ngân. Cô đóng một người vợ quen hưởng sung sướng, thái quá và thiếu chia sẻ với chồng, điều đó khiến khán giả chê cô không tiếc lời. Chính Thúy Ngân từng nói: Đêm nào tôi cũng bị khủng bố tinh thần kể từ ngày phim lên sóng. Có khán giả còn gọi điện đến số máy cá nhân, mắng cô là “đứa hỗn láo, mất dạy..”.
Hoàng Anh - đảm nhận vai một ông chồng ngoại tình, bỏ vợ, chạy theo danh vọng cũng khó tránh khỏi những phản ứng phẫn nộ của người hâm mộ. Và một nhân vật khác, cũng bị ghét chẳng kém là nghệ sĩ Hồng Vân.
Bao nhiêu năm lăn lộn với sân khấu kịch, đóng rất nhiều phim và tiểu phẩm hài, Hồng Vân chỉ được yêu mến hơn, chứ đừng nói bị ghét. Thế mà nhận vai bà mẹ vợ điêu ngoa, tính toán trong “Gạo nếp gạo tẻ”, Hồng Vân bỗng dưng bị ghét, bị mắng “quá quắt”. Chính nghệ sĩ cũng từng từ chối mấy lần vai diễn này, vì có thể đã dự liệu được phản ứng của khán giả.
Không riêng “Gạo nếp gạo tẻ”, nhiều bộ phim truyền hình đáng chú ý cũng khiến diễn viên lâm vào cảnh dở khóc dở cười, khi mà họ đóng vai ác, bị khán giả ghét bỏ. Kiểu như Thanh Bi của “Người phán xử”, hay Hà Việt Dũng – hay đóng vai giang hồ, sở khanh, nên người thân, họ hàng xem phim còn phải nhắn tin: “Sao mày tệ thế!”.
Sự quan tâm và phản ứng của khán giả đối với bộ phim, với diễn viên chính là thành công của ê-kíp làm phim ấy. Bởi có quan tâm, khán giả mới phản ứng. Sức mạnh của một bộ phim truyền hình rất lớn.
Theo đó, nếu bộ phim đang nổi, nó sẽ kéo theo sự quan tâm “khủng” của khán giả, truyền thông, các nhà tài trợ đối với toàn bộ dàn diễn viên trong phim, bất kể chính phụ.
Băng Di từng là ca sĩ nhiều năm, ngoại hình đẹp, hát cũng tốt, nhưng nhiều năm ấy rõ ràng cô không thể được “quan tâm” nhiều như khi nhận một vai “tiểu tam” trong “Gạo nếp gạo tẻ” chỉ lên sóng vài tháng gần đây. Tuy nhiên, thảo luận về bộ phim khác với sự xúc phạm diễn viên đó ở chính cuộc sống thực.
Khi phim truyền hình phát triển, chúng ta cũng cần một lớp khán giả xem phim có văn hóa tiếp nhận phù hợp. Chuyện đóng vai phản diện bị ghét không riêng gì ở trong nước. Có nhiều sao quốc tế vì quá nhập vai “phản diện” mà cả đời bị ghét, bị la ó mỗi lần xuất hiện.
Hành vi xúc phạm danh dự, khủng bố tinh thần ở các trang cá nhân thực chất là vấn đề của pháp luật, vượt quá khuôn khổ cảm xúc dành cho bộ phim.
Rõ ràng, từ phản ứng hiện tại của nghệ sĩ, đa phần họ chỉ lường trước phần nào về vai diễn có thể sẽ bị ghét bỏ và thường im lặng nhận chỉ trích thậm chí bị xúc phạm ở cuộc sống thực, cho rằng đó là sự quan tâm thái quá của khán giả.
Nhưng “im lặng chịu trận” cũng có thể sẽ cổ vũ một lớp khán giả thiếu sự phân định khi thưởng thức nghệ thuật và ứng xử đời thực, hình thành thói quen về công kích và đả kích đám đông đáng sợ.
Bởi vậy, sản phẩm giải trí phát triển cần có sự phát triển phù hợp về văn hóa của khán giả, đồng thời, cũng cần những động thái mạnh tay, có sự bảo vệ của pháp luật trước những hành vi quá khích, lợi dụng phim ảnh để công kích đời thực của nghệ sĩ. Có như vậy, nghệ sĩ mới có thể “dũng cảm” nhận các vai diễn đa chiều được!
Theo ĐSPL, Vietnammoi