Sau khi ghi nhận tuần tăng điểm ấn tượng với mức chốt phiên kỷ lục, chứng khoán Mỹ lại khởi động tuần mới (ngày 7/7) trong không khí khá u ám, do nhiều nhà đầu tư đổ xô bán tháo chốt lời cũng như những dự báo thiếu tích cực của giới phân tích về triển vọng của thị trường.
Tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Chốt phiên này, tại thị trường New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones tụt 44,05 điểm (0,26%), xuống 17.024,21 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 7,79 điểm (0,39%), xuống 1.977,65 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 34,40 điểm (0,77%), đóng cửa ở mức 4.451,53 điểm.
Ngay khi cả ba chỉ số chủ chốt của Phố Wall liên tục tăng điểm vào các phiên giao dịch tuần trước, thậm chí Dow Jones còn lần đầu tiên chạm mốc kỷ lục 17.000 điểm, một số chuyên gia phân tích đã lưu ý về tính bất ổn của thị trường.
Raymond James, Giám đốc điều hành công ty Jeffrey Saut, nhận định rằng nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán có thể hạ 10-12%.
Tuy vậy, giá cổ phiếu của một số tập đoàn lớn vẫn "hiên ngang" đi lên, bất chấp xu hướng giảm chung, nhờ dự báo khả quan về hoạt động kinh doanh, ví dụ như Apple tăng 2,1%, Archer Daniels Midland tăng 1,6%.
Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng hòa theo xu hướng mất điểm tại Phố Wall và đồng loạt đi xuống mạnh, do hoạt động chốt lời gia tăng và các số liệu kinh tế đáng thất vọng của Đức.
Theo thông tin chính thức từ Chính phủ Đức, sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã giảm 1,8% trong tháng 5/2014, sau khi tụt 0,3% hồi tháng Tư do một loạt ngày nghỉ lễ diễn ra trong tháng.
Kết thúc phiên 7/7, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,62%, xuống 6.823,51 điểm.
Tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp lùi 1,41%, xuống 4.405,75 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 mất 1,03%, xuống 10.000 điểm, sau khi vừa leo lên mức cao kỷ lục vào tuần trước nhờ báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi của Mỹ và quyết định giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Sang tới đầu phiên giao dịch 8/7 tại thị trường châu Á, sắc đỏ cũng phủ bóng lên hầu hết các mã cổ phiếu, do diễn biến ảm đạm của thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu phiên trước.
Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mở cửa giảm 75,17 điểm (0,49%), xuống 15.304,27 điểm, giữa lúc đồng USD hạ giá so với đồng yen.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải cũng mất 4,17 điểm (0,2%), xuống 2.055,76 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong lại mở cửa với mức tăng nhẹ 14,39 điểm, lên 23.555,31 điểm.
Minh Trang
theo Vietnam+