Sự kiện hot
4 năm trước

Phối hợp nâng hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn Thủ đô

Các đơn vị phải tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Đây là một nội dung trong báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) thành phố Hà Nội.

Báo cáo về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, 4 tháng đầu năm 2020 và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thủ đô, Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cho hay: Năm 2019, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội đã tổ chức thanh, kiểm tra: 33.529 vụ (giảm 1.306 vụ thanh, kiểm tra so với cùng kỳ năm 2018); xử lý hành chính: 31.246 vụ (tăng 2.597 vụ xử lý so với cùng kỳ năm 2018).

Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu: 4.466 tỷ 385 triệu đồng. Trong đó, phạt hành chính: 1.335 tỷ 878 triệu đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra (gồm Công an, Thuế, Hải quan): 3.128 tỷ 607 triệu đồng; tiền bán hàng tịch thu: 1 tỷ 900 triệu đồng…

Riêng trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra và xử lý: 9.428 vụ. Khởi tố 38 vụ đối với 49 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước: 1.393 tỷ 920 triệu đồng.

Về kết quả công tác chống buôn lậu gian lận thương mại liên quan đến dịch COVID-19, tính đến ngày 18/5, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 758 vụ, xử lý hành chính 318 vụ.

Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển 4 hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để tiến hành điều tra theo quy định.

Công an đã có quyết định khởi tố 1 vụ án đối với 4 đối tượng. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã khởi tố 3 vụ đối với 3 đối tượng với tổng số tiền xử phạt là 2 tỷ 432 triệu đồng. Các hàng hóa vi phạm gồm: 1.749.614 chiếc khẩu trang y tế các loại, 13.227 sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn; trong đó Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã bàn giao trên 300.000 chiếc khẩu trang y tế và trên 1.500 chai nước rửa tay sát khuẩn đã được kiểm định cho Sở Y tế Hà Nội để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố. Có 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại; 35.600 đôi găng tay y tế; 1.597 bộ quần áo phòng dịch; 185 chiếc kính bảo hộ y tế; 927 áo phẫu thuật; 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn; 847 chiếc nhiệt kế điện tử.

Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, năm 2019, được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia…kết quả đấu tranh đã được nâng lên, đánh đúng, đánh trúng vào đường dây, ổ nhóm buôn lậu, hàng cấm, hàng giả với số lượng lớn.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng ngày càng được quan tâm, có sự gắn bó chặt chẽ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến khó lường, phức tạp và xảy ra trong thời gian khá dài nên nhiều đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm hàng trên thị trường tăng giá bán bất hợp lý hoặc đầu cơ găm hàng đối với hàng hóa là khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng dịch, thậm chí hàng còn kém chất lượng.

Mặc dù các lực lượng chức năng Thành phố đã nỗ lực hết mình trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn Thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp…

Ngoài ra, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu vẫn còn diễn ra. Lợi dụng chính sách “Người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số đối tượng kinh doanh đặt mua hàng giả, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sản xuất từ nước ngoài và giả mạo nhãn mác xuất xứ của Việt Nam để đưa về Việt Nam, trong đó có thị trường Hà Nội tiêu thụ…

Theo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội, tuy là việc chung nhưng sự quan tâm, sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có lúc, có nơi còn chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa có chiều sâu, còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.

Vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng của các địa phương làm hạn chế hiệu quả công tác đấu tranh, việc cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng của các doanh nghiệp và các hiệp hội còn hạn chế; chi phí giám định cao, thời gian kéo dài nên ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra, xử lý.

Do đó, Ban Chỉ đạo 389 nêu các giải pháp để triển khai nhiệm vụ hiệu quả hơn thời gian tới.

Trong đó, quan trọng là các đơn vị phải tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng Hà Nội, giữa các lực lượng chức năng Hà Nội với các lực lượng chức năng Trung ương và các tỉnh khác (đặc biệt là các tỉnh biên giới) để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh làm ăn chân chính. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất, chất lượng hàng hóa và trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cần làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức; xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, khen thưởng, động viên kịp thời công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội cũng đề xuất Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tăng cường chỉ đạo các lực lượng chức năng từ Trung ương đến địa phương tăng cường công tác phối hợp liên ngành nhằm đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại tại các cửa khẩu biên giới, các ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không quốc tế... nhằm ngăn chặn tội phạm ngay từ các cửa khẩu biên giới, hạn chế mức tối đa hàng hóa nhập lậu được thẩm lậu qua các cửa khẩu biên giới và vận chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.

Anh Minh
Theo Báo Chính phủ

Từ khóa: