Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội chiều 24.10, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN cho biết, ông chưa hài lòng với Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội chiều 24.10, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN cho biết, ông chưa hài lòng với Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
Ông lý giải: Luật lần này không có thay đổi gì lớn, trừ việc là theo Nghị quyết Hội nghị T.Ư 5, Ban chỉ đạo T.Ư về PCTN chuyển sang bên Đảng. Trái lại, còn một số điểm tôi thấy chưa thật hài lòng, trong đó có một số quy định về hạn chế quyền thông tin của báo chí và người dân trong PCTN.
Trong điều kiện Đảng, Nhà nước, Quốc hội công nhận việc PCTN vừa rồi chưa đạt yêu cầu thì chúng ta phải dựa rất nhiều vào nhân dân và báo chí, do đó phải tạo điều kiện hơn nữa cho báo chí tham gia vào PCTN mới đúng. Báo chí phải là một kênh, một công cụ đắc lực của dân trong PCTN.
Ông Trương Trọng Nghĩa
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân công tác PCTN chưa đạt hiệu quả là do tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm?
- PCTN, về mặt luật pháp thì khá đầy đủ, nhưng khi triển khai thì không đạt yêu cầu. Nguyên nhân cuối cùng theo tôi là con người. Nghị quyết của Hội nghị T.Ư 4 đã nhận định, có hiện tượng tham nhũng, suy thoái, biến chất trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao. Tức là có những người chức quyền cao tham nhũng. Vì thế, chẳng có gì lạ là tại sao công tác PCTN không đạt yêu cầu. Bởi chẳng ai lại đi tự xử mình cả.
Để PCTN đạt kết quả tốt hơn thì ngoài việc phải tăng cường luật pháp, chúng ta phải thực hiện luân chuyển cán bộ trong các lĩnh vực khác nhau và thực hiện nghiêm việc xử lý kỷ luật. Có một tình trạng mà Uỷ ban Tư pháp khi thẩm định báo cáo PCTN đã nói rõ là nhiều vụ việc gây tổn thất, lãng phí tới hàng chục ngàn tỷ, vậy mà khi đưa ra điều tra thì không tìm ra được hành vi tham nhũng. Điều này thể hiện sự kém cỏi trong công tác điều tra của ngành công an.
theo Dân Việt