Sự kiện hot
7 năm trước

Phong tục độc đáo ngày lễ Vu Lan ở các nước châu Á

Người Trung Quốc để một chiếc ghế trống trên bàn ăn còn người Singapore kiêng chụp ảnh và bơi lội trong tháng 7 âm lịch.


Trung Quốc

Theo tín ngưỡng của người Trung Quốc, tháng 7 âm lịch là thời gian mở cổng địa ngục và các linh hồn trở về dương gian. Rằm tháng 7 âm lịch còn được gọi là lễ Vu Lan hay Tết Trung Nguyên. Vào ngày này, người Trung Quốc sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn để dâng lên tổ tiên, ba lần mỗi ngày, buổi lễ chính vào lúc hoàng hôn. Họ tới những ngôi chùa lớn và phát gạo cho người nghèo, đốt giấy tiền, vàng mã để cúng cho người quá cố và tin rằng các linh hồn sẽ đỡ vất vả hơn dưới cõi âm, không quấy rầy công việc làm ăn, cuộc sống nơi trần thế.

Các nghi lễ cúng tế diễn ra ngay trên đường, bao gồm đốt nến, nhang, vàng mã cho những linh hồn lang bạt. Trong bữa cơm ngày lễ không thể thiếu thịt gà luộc, lợn quay. Ngoài ra có các phong tục kỳ lạ khác như để một chiếc ghế trống cạnh bàn ăn và tin rằng linh hồn người đã khuất sẽ ngồi đó.

Tại Giang Tô, người ta thả bốn chiếc thuyền trên sông, chở theo Kinh Phật, những đồng tiền làm bằng giấy thiếc, đèn lồng và đồ ăn cúng lễ cho cô hồn. Ở Phúc Kiến, tất cả những cô gái đã lấy chồng dù ở nơi nào cũng phải về tặng quà cho cha mẹ, món quà đó được đặt trong chiếc hòm hoặc rương, gồm quần áo mũ mão. Riêng ở Quảng Tây, người dân thường giết vịt để cúng bái vì cho rằng các linh hồn thường đứng trên mình vịt, nhờ vịt cõng mà có thể tự do đi lại giữa âm thế và dương gian.


Hong Kong

Cộng đồng người Triều Châu ở Hồng Kông chiếm tỷ lệ lớn nên ngày nay họ vẫn giữ nhiều thói quen thờ cúng từ ông cha. Lễ cúng cô hồn ở Hồng Kông kéo dài cả tháng 7 âm lịch và trở thành nét văn hóa độc đáo ở đặc khu này. Bởi lẽ, bên cạnh sự phát triển hiện đại, xứ Hương Cảng vẫn mang trong mình nhiều giá trị truyền thống. Trong suốt tháng 7 trên khắp Hong Kong, người ta sử dụng mọi không gian công cộng từ quảng trường, bờ sông, bãi đất trống để cúng tổ tiên cũng như những linh hồn lang thang, thắp hương, vàng mã, phát gạo miễn phí. Nhiều nơi họ dựng những đài tế tạm thời trong suốt tháng 7 và sẽ hạ xuống khi kết thúc mùa Vu Lan. Người Hồng Kông còn kiêng một số hoạt động để tránh xui xẻo như quét dọn đồ cúng, phơi quần áo ngoài trời, tiểu tiện ở gốc cây, đi vào rừng hay mở cửa nhà vào ban đêm, chụp ảnh lúc trời tối, bơi lội, cưới hỏi...

Đài Loan

Lễ cô hồn của Đài Loan có một phong tục lâu đời là thả đèn hoa đăng, với mong muốn đèn sẽ soi sáng đường cho những oan hồn dưới nước, gọi các linh hồn dưới cõi âm lên mặt đất để hưởng đồ cúng. Họ cũng cầu nguyện cho các linh hồn được đầu thai sang kiếp khác. Người Đài Loan quan niệm thả đèn càng trôi xa thì càng được nhiều tài lộc. Người Đài Loan thường tổ chức những lễ hội rước ma với quy mô lớn ở nhiều nơi trên cả nước, dùng các xe chở hình nộm, trái cây và múa lân trên đường. Theo truyền thống, mỗi hộ gia đình chuẩn bị thịt, trái cây, hoa tươi để cúng ma đói tại một ngôi miếu hoặc trên một bàn thờ tạm phía trước nhà.

Singapore

Cũng giống Hong Kong, mặc dù rất hiện đại nhưng phong tục ngày rằm tháng 7 ở Singapore vẫn được gìn giữ trong cộng đồng người Hoa. Ngoài việc làm cơm cúng, đốt tiền vàng mã, tới chùa, làm nhiều việc thiện, người Singapore còn rất cẩn thận với những điều kiêng kỵ mang tính tâm linh như không huýt sáo, chụp ảnh, treo quần áo bên ngoài nhà, hoặc đi ngoài đường ban đêm trong tháng cô hồn. Người Hoa ở Singapore cho rằng bơi lội trong tháng này có thể gặp nguy hiểm. Theo quan niệm về kiếp luân hồi ở đảo quốc sư tử, một người chết sẽ “nhường chỗ” cho ác quỷ tái sinh. Những linh hồn này sẽ lang thang tại các ao hồ để hại người.

Nhật Bản

Cộng đồng người Hoa coi ngày 15/7 âm lịch là lễ báo hiếu thì người Nhật Bản cũng có lễ Obon báo hiếu, thường diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà, hoặc đi viếng mộ người thân. Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật tổ chức để kỷ niệm lễ hội Obon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời vào đêm 16/8. Trong lễ dâng lửa linh thiêng này, năm đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên năm ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ, đi kèm với các hoạt động văn hóa như múa truyền thống, cầu nguyện. Lễ hội kết thúc với nghi thức thả thuyền giấy.

Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ. Người Nhật thường cúng bánh khảo (làm từ bột gạo màu xanh, đỏ, vàng) và thường có hình hoa sen cùng những giỏ trái cây bày biện đẹp mắt trên bàn thờ. Đồ cúng được thay đổi mỗi ngày, ngày 13 là bánh đón linh hồn; ngày 14 là một loại bánh làm từ bột gạo; ngày 15 là bún làm bằng bột mì và ngày 16 là bánh tiễn linh hồn.

Indonesia

Mặc dù cộng đồng Hồi giáo ở Indonesia chiếm đa số nhưng phong tục ngày rằm tháng 7 vẫn được duy trì ở một số nơi. Người dân ở Medan, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia, tổ chức ném tiền giả để tỏ lòng thành kính với tổ tiên vào ngày lễ Vu Lan hàng năm. Những lễ vật cúng người đã khuất gồm lá mù tạt và mía đỏ. Họ cũng dựng nhiều hình nhân cỡ lớn và dựng ở các ngôi chùa. Tại đền chùa, các nhà sư tế lễ, đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn lang thang.

Campuchia

Tháng 9 dương lịch hàng năm được coi là “tháng cô hồn” của người Campuchia. Họ tin rằng, khoảng thời gian diễn ra lễ hội, các linh hồn sẽ tìm đến những người thân còn sống của mình để chuộc lại những lỗi lầm từ kiếp trước của họ. Trong tháng này có ngày lễ Pchum Ben - một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong lịch tôn giáo Khmer. Lễ Pchum Ben kéo dài 15 ngày. Người Campuchia sẽ mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cũng như cúng dường phẩm vật lên chùa để các chư tăng “gửi” cho các linh hồn của người quá cố.

 Theo VnExpress

Từ khóa: