Theo thống kê của chi cục hải quan Phú Quốc (Cục hải quan Kiên Giang) trong ba năm 2015, 2016, 2017, đã làm thủ tục thông quan cho hơn 1 triệu tấn cát nhiễm mặn sang Singapore.
Tàu nước ngoài chở cát nhiễm mặn từ Phú Quốc đi Singapore - ẢNH: V.Tr
Cụ thể, năm 2017, số thu thuế xuất khẩu đặc biệt tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay là nhờ xuất cát nhiễm mặn của doanh nghiệp Đức Long. Năm 2015, doanh nghiệp này xuất khẩu là 45.800 m3 với trị giá 59.500 USD. Số thuế xuất khẩu nộp 385 triệu đồng.
Trong năm 2016, số cát nhiễm mặn mà công ty Đức Long xuất lên đến 295.000 m3 với tổng trị giá đạt 322.000 USD.
Đặc biệt, chỉ có 3 tháng đầu năm nay, số lượng cát nhiễm mặn được xuất khẩu gấp hơn 2 lần năm ngoái với gần 620.000 m3, có trị giá 715.000 USD. Số tiền thuế xuất khẩu nộp là hơn 5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Minh Trong, Chi cục trưởng cục Hải quan Phú Quốc, cho biết 100% số thuế xuất khẩu mà Chi cục hải quan Phú Quốc thu được là nhờ xuất khẩu cát nhiễm mặn.
Dù xuất khẩu từ năm 2015 tới nay đạt hơn 1 triệu m3, số thuế xuất khẩu lên tới 30% nhưng cát nhiễm mặn chỉ thu được hơn 7,7 tỉ đồng.
Mặt hàng này đã tạm ngừng xuất khẩu từ ngày 18-3 khi Chính phủ chỉ đạo yêu cầu làm rõ xuất khẩu cát sang Singapore. Đây là chỉ đạo rất đúng đắn.
Phát biểu tại cuộc họp do Chính phủ tổ chức về khai thác cát trái phép hồi đầu tháng 3 năm qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết đã có văn bản báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng (sau khi báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài Đường đi của cát Việt ra nước ngoài.
Kiên Giang báo cáo rõ có một dự án khai thác cát nhiễm mặn ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, Kiên Giang. Nhằm đáp ứng nhu cầu san lấp của địa phương và xuất khẩu, có tình trạng tận thu cát nhiễm mặn. Tuy nhiên, tỉnh Kiên Giang đã đề nghị dừng hẳn xuất khẩu.
Lê Thanh
Theo Tuổi Trẻ