Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển

Trải qua 75 năm (25/12/1948 - 25/12/2023) xây dựng và phát triển, Đảng bộ xã Sơn Thủy đã không ngừng lớn mạnh, phát huy tốt vai trò lãnh đạo trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ đó, nhân dân trong xã đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đưa địa phương trở thành xã ngày càng phát triển, giàu mạnh, văn minh.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Sơn Thủy lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội Đại biểu Đảng bộ xã Sơn Thủy lần thứ XXXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sơn Thủy - vùng đất, con người và truyền thống

Sơn Thủy là xã miền núi nằm về phía Tây Nam, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; phía Đông giáp xã Bảo Yên, phía Tây giáp xã Tất Thắng huyện Thanh Sơn, phía Nam giáp xã Hoàng Xá, phía Bắc giáp thị trấn Thanh Thủy. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 1.220,17 ha; dân số có 2.288 hộ với 8.617 nhân khẩu. Toàn xã có 8 khu hành chính, 5 trường học, 01 trạm Y tế. Có 5 họ giáo, 3 nhà thờ, 01 đình, 01 chùa. Đồng bào theo đạo Công giáo chiếm trên 87%, sinh sống tại 8 khu hành chính. Toàn Đảng bộ có 14 chi bộ với tổng số 288 đảng viên (08 chi bộ khu dân cư, 05 chi bộ Trường học, 01 chi bộ Công an).

Địa hình của xã Sơn Thủy là đồi gò, độ dốc cao (chiếm 2/3 diện tích tự nhiên). Dân cư sống rải rác theo ven đồi gò từ Bắc đến Nam dài khoảng 5km; phía Đông Nam là đồng chiêm trũng; phía Tây Bắc là đồi gò, rừng cây bao bọc. Hệ thống giao thông đến nay tuy đã được đầu tư nhưng chưa hoàn chỉnh, việc đi lại tham gia giao thông của người dân còn khó khăn dẫn đến việc phát triển cơ cấu các ngành kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ còn chậm, trình độ dân trí không đồng đều...

Song, có sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện Thanh Thủy. Nhân dân xã Sơn Thuỷ có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để Sơn Thuỷ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và giữ vững 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư từng bước được đầu tư nâng cấp.

Mặt khác, Sơn Thủy là xã có tiềm năng rất lớn về đất đai, tài nguyên khoáng sản, lao động đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế- xã hội, tăng thu nhập cho Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện.

Chân dung các đồng chí Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy qua các thời kỳ giai đoạn từ năm 1948 đến năm 2015.

Chân dung các đồng chí Bí thư Chi bộ, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy qua các thời kỳ giai đoạn từ năm 1948 đến năm 2015.

Theo các tài liệu của Sở Nội vụ tỉnh Phú Thọ, những năm đầu thế kỷ XIX, Sơn Thủy vẫn chưa có dân cư sinh sống, chưa có tên làng, tên xã. Lúc bấy giờ, địa bàn Sơn Thủy chỉ là một cánh rừng già, rừng nguyên sinh rậm rạp tiếp giáp miền rừng núi Thanh Sơn với thảm động, thực vật phong phú.

Năm 1820, vài gia đình dân tộc Mường từ các bản làng của huyện Thanh Sơn đến đốt nương làm rẫy, tra lúa, tra ngô, sau đó định cư ở khu vực xóm Mỏ Giang - Sơn Vi ngày nay. Trong quá trình tụ cư, đồng bào làm nhà thành chòm xóm, sống quây quần bên nhau, xây dựng đình để thờ thần linh và những người có công khai phá, lập làng. Về sau có thêm một số gia đình ở làng Bảo Yên làm nghề đánh cá tại đồng Bạch Thủy, thấy đất đai màu mỡ đã dừng chân khai phá, trồng cây để sinh sống đã tạo nên xóm Làng Cũ - Phù Lao như tên gọi hiện nay.

Sơn Thủy lúc bấy giờ là một bán đảo ba bề tiếp giáp với sông Đà. Để vào Sơn Thủy phải đi đường mòn xuyên qua rừng núi Thanh Sơn. Việc giao lưu, đi lại giữa nhân dân địa phương với bên ngoài chủ yếu phải dùng thuyền bè. Trong quá trình tụ cư, định cư, người dân Sơn Thủy đã thích ứng và cải tạo tự nhiên để phát triển kinh tế xã hội. Nông nghiệp là nghề chính nhưng trình độ canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân Sơn Thủy thời kỳ này phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên. Do chưa có đê, vào mùa mưa bão hàng năm, nước sông Đà lên cao gây lũ lụt và ngập úng cả một vùng rộng lớn, tàn phá nhà cửa, hoa màu của người dân.

Tuy nước lũ lên cao, gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân nhưng cũng đem theo lượng phù sa đáng kể bồi đắp cho những cánh đồng, làm cho đất đai thêm màu mỡ và nguồn tôm cá dồi dào. Vì vậy, đã có hàng trăm người đến đây sinh sống bằng nghề kiếm cá. Về sau, họ bắt đầu lên đất liền phát rừng, chặt cây, cắt lá làm lán trại, trồng thêm rau màu và chăn nuôi gia súc... Các gia đình này làm lều trại bám theo bìa rừng thành một vòng cung khá dài: Từ xóm Gò Bông - Gò Chuối (thuộc khu 1 ngày nay) đến xóm Gốc (thuộc khu 7 ngày nay).

Chân dung các đồng chí Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy qua các thời kỳ giai đoạn từ năm 1948 đến năm 2015.

Chân dung các đồng chí Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy qua các thời kỳ giai đoạn từ năm 1948 đến năm 2015.

Theo các bậc cao niên trong xã truyền lại, lúc này nhìn từ xa, rừng núi nước non bao quanh, nhà cửa, lều trại người dân ở giữa tạo nên vùng sơn thủy hữu tình và cái tên Sơn Thủy ra đời trong hoàn cảnh tự nhiên đó.

Trải qua năm tháng, khi làng xóm được mở rộng, dân số đông lên cũng là lúc bắt đầu xuất hiện những vấn đề phức tạp trong đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư. Trước tình hình đó, để cộng đồng dân cư ở đây có tổ chức vừa giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống, vừa bảo đảm một số quyền lợi khác, triều đình nhà Nguyễn đã cho thành lập đơn vị hành chính mới. Theo tài liệu thành văn, năm 1860 Sơn Thủy thuộc tỉnh Sơn Tây; năm 1902 thuộc tổng Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Hưng Hóa (nay là tỉnh Phú Thọ).

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều người ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Tây... lên đây khai hoang, dựng làng, lập xóm, dân cư Sơn Thủy trở nên đông đúc hơn. Theo số liệu của Sở Nội vụ Phú Thọ, thời kỳ này địa bàn có hơn 700 người.

Sau Cách mạng tháng Tám, hai thôn Sơn Vi, Phù Lao thuộc xã Phú Cường (nay gọi là xã Bảo Yên), thôn Thủy Trạm thuộc xã Đoàn Kết (nay gọi là Hoàng Xá). Năm 1953, xã Phú Cường tách thành hai xã, ba thôn Sơn Vi, Phù Lao, Thủy Trạm hợp nhất thành xã Sơn Thủy và ổn định cho tới nay.

Với tổ chức dân cư và đơn vị hành chính của Sơn Thủy ra đời muộn hơn so với các làng xã lân cận vì vậy nhân dân các làng xã đến trước đã khai phá ruộng đất xung quanh tới sát bìa làng. Đến khi lập làng lập xã, dân cư đông đúc thì Sơn Thủy chỉ còn lại phần đất ương điền, lầy thụt khó canh tác. Nghề đánh cá không đảm bảo cuộc sống ổn định cho cộng đồng dân cư nên ruộng đất đối với người dân Sơn Thủy hết sức cần thiết. Để có ruộng đất canh tác, người dân Sơn Thủy đã làm một số công trình thủy lợi để tiêu úng hoặc “dẫn thủy nhập điền” cũng như lấp phù sa sông Đà bồi đắp cho những vùng đất trũng. Năm 1899, nhân dân trong xã cùng với người dân xã Hoàng Xá đã đóng góp hành chục nghìn ngày công đào đắp con ngòi xuyên qua địa bàn.

Đi đôi với công tác thủy lợi, nhân dân Sơn Thủy còn tiến sâu vào rừng già theo hướng Tây Nam để “khai sơn, phá thạch” vỡ ruộng, khai hoang trồng cấy lúa và hoa màu, đồng thời mở rộng địa bàn dân cư. Sau nhiều năm vất vả, cực nhọc và kiên trì, những khu đất hoang được người dân cải tạo thành đất canh tác như Tư Điền, Đồng Ngà, Cây Dâu...Từ khi thành lập đến nay, xã Sơn Thủy được đánh giá là một vùng quê có cuộc sống thanh bình, đông vui, với nghề truyền thống là sản xuất nông nghiệp kết hợp với sản xuất tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ. Như vậy, từ một vùng rừng núi hoang vu, qua nhiều thế kỷ, đến nay các thế hệ nhân dân xã Sơn Thủy đã tạo dựng nên địa bàn cư trú và canh tác ổn định với nền kinh tế nông nghiệp ngày càng phát triển.

Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm tiến bước dưới cờ Đảng

Ngược dòng thời gian, cách đây 75 năm, ngày 25/12/1948, Chi bộ Trần Phú - Tiền thân của Đảng bộ xã Sơn Thủy được thành lập. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở địa phương. Từ 5 đảng viên đầu tiên, đến nay, Đảng bộ xã Sơn Thủy đã có 290 đảng viên sinh hoạt tại 14 chi bộ; có 65 đảng viên đã được trao tặng Huy hiệu từ 30 năm tuổi Đảng trở lên, trong đó 05 đồng chí 60 năm tuổi Đảng. Đảng bộ đã trải qua 32 kỳ Đại hội. Qua từng thời kỳ, với mỗi chặng đường cách mạng, Đảng bộ xã Sơn Thủy đã đề ra những Nghị quyết sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương ngày càng phát triển.

Trụ sở các cơ quan cấp phường Tân Hòa khang trang sạch đẹp.

Trụ sở các cơ quan cấp xã Sơn Thủy khang trang sạch đẹp.

Nhân dân Sơn Thủy có truyền thống đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường trong cuộc đấu tranh với giặc và phòng chống thiên tai, có tinh thần yêu nước cao độ, giữ vững niềm tin tưởng tuyệt đối theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. 75 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Đảng bộ xã Sơn Thủy, các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân Sơn Thủy đã anh dũng, kiên cường cùng quân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đã có hàng trăm người con thân yêu của quê hương Sơn Thủy tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh, hoặc để lại một phần xương máu nơi chiến trường. Trong khoảng thời gian ấy, nhân dân Sơn Thủy đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước đồng thời viết nên những trang sử vẻ vang, nối tiếp truyền thống của quê hương.

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển - Ảnh 1

Phong trào văn hóa, văn nghệ của xã ngày càng phát triển

Phong trào văn hóa, văn nghệ của xã ngày càng phát triển.

Bằng sự thống nhất đoàn kết và ý chí, quyết tâm của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, Đảng bộ xã Sơn Thủy đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tập trung lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, thử thách, giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2023 ước đạt 57,42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,14%. Xã duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, thực hiện bảo đảm bền vững 19/19 tiêu chí theo quy định, đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Bộ mặt nông thôn xã Sơn Thủy ngày càng khởi sắc.

Bộ mặt nông thôn xã Sơn Thủy ngày càng khởi sắc.

Hệ thống giao thông liên thôn, liên xã ngày càng hoàn thiện đồng bộ. Tính riêng năm 2023, xã đã vận động nhân dân hiến đất, công trình trên đất làm đường, đóng góp tiền và ngày công lao động làm đường  bê tông tại khu 2, khu 4, khu 3, khu 5, khu 6, khu 7, với tổng trị giá các công trình trên 2,2 tỷ đồng bằng nguồn xã hội hóa trong toàn dân. Công tác thủy lợi, hệ thống tưới tiêu cũng được quan tâm đầu tư xây dựng.

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển - Ảnh 2

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển - Ảnh 3

Hệ thống gia thông nông thôn của xã từng bước được hoàn thiện đồng bộ.

Hệ thống gia thông nông thôn của xã từng bước được hoàn thiện đồng bộ.

Sự nghiệp giáo dục được Đảng bộ và nhân dân trong xã không ngừng quan tâm, chăm lo xây dựng và phát triển. Xã đã có 04/05 đạt trường chuẩn Quốc gia, phấn đấu hết năm 2023 còn trường Mầm non Sơn Ca sẽ đạt chuẩn quốc gia mức 1 và 2. Trong năm 2023, xã tiếp tục đầu tư xây dựng công trình nhà 3 tầng 12 phòng của trường Tiểu học Sơn Thủy 1, trị giá 7,9 tỷ đồng; xây dựng cải tạo tầng 3 nhà lớp học trường THCS Sơn Thủy, trị giá công trình 1,9 tỷ đồng; xây dựng các hạng mục công trình đối với trường Mầm non Sơn Ca đạt chuẩn mức độ 1 và mức độ 2, tổng trị giá công trình trên 2,8 tỷ đồng.

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh được thực hiện có hiệu quả. Trạm y tế xã duy trì đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Tổng số bệnh nhân khám chữa bệnh năm 2023 là 2.566 lượt người, trong đó khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT là 1.968 lượt người, số lượt khám bệnh bằng y học cổ truyền 989 lượt, số lượt khám bệnh cho trẻ em dưới 15 tuổi là 1.256 lượt. Điều trị nội trú là 30 trường hợp, chuyển tuyến trên là 50 trường hợp. Cùng với phòng chống dịch, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện tốt, vì vậy trong năm 2023 xã Sơn Thuỷ không có dịch bệnh gì xảy ra, các vụ ngộ độc thức ăn trên địa bàn không có. Tiếp tục chỉ đạo tốt việc triển khai, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển - Ảnh 4

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển - Ảnh 5

Mô hình xã hội hóa ủng hộ các trường hợp rủi ro, tai nạn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn trên địa bàn xã được thực hiện ngày càng hiệu quả.

Mô hình xã hội hóa ủng hộ các trường hợp rủi ro, tai nạn, người mắc bệnh hiểm nghèo, người có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn trên địa bàn xã được thực hiện ngày càng hiệu quả.

Công tác thông tin, tuyên truyền về dân số được quan tâm, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản và KHHGĐ được tăng cường. Đảng uỷ xã Sơn Thuỷ đã ban hành kế hoạch học tập và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của BTV Huyện ủy Thanh Thủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác dân số và phát triển giai đoạn 2021-2025, phổ biến đến các đồng chí trong BTV, BCH Đảng uỷ; các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các chi bộ trực thuộc và toàn thể các đồng chí cán bộ, công chức.

Công tác lao động, việc làm được quan tâm chỉ đạo, việc thực hiện các chế độ chính sách người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Cấp uỷ, chính quyền và các ban, đoàn thể xã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, tổng số 204 xuất, trị giá 40,800.000 đồng. Đã hoàn thành việc chi trả năm 2023; quản lý tốt các đối tượng được hưởng chính sách xã hội. Trong năm, tổng số tiền đã cấp cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội là: 1.973.013.000 đồng. Nhìn chung công tác thực hiện chính sách xã hội đã đáp ứng được yêu cầu, góp phần vào sự ổn định tình hình của địa phương.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Đảng bộ quan tâm và nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo được sự chuyển biến trong nhận thức và xây dựng nếp sống mới của người dân. Các khu dân cư đều gắn cuộc vận động với việc xây dựng các hương ước, quy ước và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc; xây dựng được nền văn hóa mới tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2023, xã có 1.991 hộ/2.287 hộ gia đình văn hóa, bằng 87,57%, đạt 100% so với kế hoạch.

Cổng làng Sơn Vi, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Cổng làng Sơn Vi, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Công tác quốc phòng toàn dân được Đảng uỷ, UBND xã Sơn Thuỷ quan tâm chỉ đạo, chế độ sẵn sàng chiến đấu được duy trì thường xuyên. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân kết hợp thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng kế hoạch củng cố lực lượng vũ trang tại chỗ, chuẩn bị tốt cho công tác sẵn sàng tuyển chọn, gọi thanh niên nhập ngũ.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn xã được đảm bảo tốt. Công tác an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo được giữ vững; tình hình chính trị ở địa phương ổn định.

Phú Thọ: Đảng bộ xã Sơn Thủy 75 năm xây dựng và phát triển - Ảnh 6

Lãnh đạo xã Sơn Thủy cùng các doanh nghiệp con em quê hương về thăm quê hương Sơn Thủy và trao quà cho các gia đình hộ nghèo của xã Sơn Thủy.

Lãnh đạo xã Sơn Thủy cùng các doanh nghiệp con em quê hương về thăm quê hương Sơn Thủy và trao quà cho các gia đình hộ nghèo của xã Sơn Thủy.

Tự hào truyền thống 75 năm, Đảng bộ xã Sơn Thủy luôn làm tròn sứ mệnh của mình, không ngừng phát triển, củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo nhân dân địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị to lớn của các giai đoạn cách mạng.

Đồng chí Lê Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy cho biết: Trong 75 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội nâng cao mức sống cho Nhân dân, Đảng bộ xã Sơn Thủy luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế - xã hội là trọng tâm. Đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương ổn định và tiếp tục phát triển trong trạng thái bình thường mới, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đang phát huy hiệu quả. Công tác đảm bảo an sinh xã hội được duy trì tốt, các chế độ, chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của chính quyền trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao. Những kết quả trên đã khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã và đang làm tiền đề, tạo đà cho sự nghiệp phát triển của Đảng bộ xã trong những năm tiếp theo.

Đồng chí Lê Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy

Đồng chí Lê Quang Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy (bên phải) trao đổi với phóng viên về quá trình 75 năm xây dựng và phát triển Đảng bộ xã Sơn Thủy.

Kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được và nhằm đổi mới, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương, trong giai đoạn tiếp theo, Đảng bộ xã Sơn Thủy tiếp tục đoàn kết, đồng lòng phát huy tối đa nội lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra./.

PHI LONG
Theo KTĐU

Từ khóa: