Sự kiện hot
khoảng 1 năm trước

Phú Thọ: Huyện Thanh Thủy mở hướng mới trong canh tác giống lúa chất lượng cao ST25

Nhằm từng bước lựa chọn những giống lúa mới năng suất, chất lượng tốt để dần thay thế các giống lúa truyền thống của địa phương đã suy giảm về chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh, vụ Chiêm xuân 2022, xã Đoan Hạ đã triển khai áp dụng mô hình “lúa chất lượng cao ST25” trên địa bàn xã với diện tích trên 33ha.

Trao đổi với phóng viên, ông Dương Quốc Lâm - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết: “Những nỗ lực cố gắng của địa phương, bà con xã Đoan Hạ trong việc thực hiện mô hình thí điểm giống lúa chất lượng cao ST25 được sản xuất vụ Chiêm xuân năm 2022 trên 33ha đã đạt sản lượng, năng xuất, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, đối với các mô hình thí điểm lúa chất lượng cao để nhân ra diện rộng. Đồng thời, có kế hoạch xây dựng lúa chất lượng cao thành sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng của Thanh Thuỷ, để cung cấp cho thị trường, gắn với sản phẩm phục vụ du lịch”.

Ông Dương Quốc Lâm - Phó Bí thư Huyện uỷ - Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy phát biểu tại hội nghị tổng kết mô hình lúa chất lượng cao ST25.

Theo ông Lâm, giống lúa ST25 của Việt Nam đã giành được giải thưởng “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice lần thứ 11 (tổ chức tại Philippines). Qua khảo nghiệm thực tiễn tại địa phương, giống lúa này cho thấy sự thích ứng tương đối tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác. Đồng thời, địa phương phải đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Trên cơ sở thành công của mô hình lúa chất lượng cao ST25, xã Đoan Hạ phải có kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện trên diện rộng để tăng năng xuất, chất lượng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân, phấn đấu xây dựng Đoan Hạ sớm trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Theo đánh giá của bà con nông dân và ngành chuyên môn, giống lúa ST25 có tiềm năng năng suất, chịu được thâm canh, phù hợp với đồng đất và tập quán canh tác của người dân; cây khoẻ, khả năng để nhánh trung bình, hạt thóc thon dài; khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Đây là giống có bộ lá gọn, đứng thuận lợi cho quá trình quang hợp; lúa cứng cây tạo khả năng chống đổ và chống chịu sâu, bệnh tốt. Thời gian sinh trưởng từ 125-130 ngày, ngắn hơn giống lúa khác từ 5-6 ngày và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Năng suất đạt 210kg/sào.

Lãnh đạo huyện cùng các phòng ban chuyên môn huyện, xã Đoan Hạ tham quan mô hình lúa ST25.

Mô hình giống lúa mới chất lượng ST25 sẽ góp phần thay thế một số giống địa phương. Đồng thời, giúp người dân từng bước tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất; đầu tư thâm canh trong sản xuất lúa theo quy trình kỹ thuật để có hiệu quả kinh tế cao; gắn sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm và tạo ra sản phẩm có giá trị, mang tính bền vững, tăng thu nhập cho người dân và dần hình thành vùng chuyên canh lúa trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ cho biết: “Đoan Hạ là xã nằm ở phía Bắc của huyện Thanh Thủy, cách trung tâm huyện khoảng 3,2km. Trên địa bàn xã có đường TL 317 đi qua thuận tiện cho việc phát triển kinh doanh buôn bán hàng hóa, giao thương hàng hàng hóa. Tổng diện tích tự nhiên là 426,83ha trong đó diện tích đất nông nghiệp là 283,04ha chiếm 66,31%; đất phi nông nghiệp là 143,79ha chiếm 33,69%. Dân số toàn xã tính đến hết năm 2021 là 4.922 nhân khẩu, với 1.081 hộ ở 04 khu dân cư, đời sống của nhân dân ở các khu dân cư có sự phát triển tương đối đồng đều và ngày càng ổn định phát triển, xã chính thức đón nhận Nông thôn mới vào năm 2016, hiện nay đang tích cực xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu”.

“Trong thời gian qua, được sự hỗ trợ của các cấp trên, sự đồng thuận của Đảng bộ chính quyền và nhân dân trong xã. UBND xã Đoan Hạ tiến hành công tác dồn đổi ruộng đất tại xứ Đồng Ngọc với diện tích 33,04ha. Bình quân trước dồn đổi ruộng đất là 14 thửa đất/hộ, bình quân sau dồn đổi ruộng ruộng đất là 11 thửa đất/hộ và  Đồng Ngọc được lựa chọn để tiến hành xây dựng mô hình gieo cấy giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ tại địa bàn xã Đoan Hạ” - ông Hà chia sẻ thêm.

Người dân thu hoạch lúa ST25 tại xứ Đồng Ngọc, xã Đoan Hạ.

Ông Nguyễn Tiến Công - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoan Hạ chia sẻ: “việc thí điểm giống lúa mới ST25 hiệu quả sẽ góp phần thay thế những giống lúa cũ có năng suất chất lượng thấp, bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương, từng bước nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác. Mô hình được triển khai trên vùng đất chuyên lúa 2 vụ/năm với mục tiêu canh tác giống lúa ST25 để làm cơ sở so sánh với các giống lúa khác của địa phương, giúp tìm ra giống lúa phù hợp; phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Đồng thời tổ chức lại hình thức sản xuất theo cộng đồng, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ với quy mô lớn, ổn định và bền vững”.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện tổ chức lại sản xuất theo hình thức cộng đồng với khối lượng hàng hóa lớn và tập trung, giúp nông dân tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường và doanh nghiệp thu mua. Hình thành chuỗi liên kết cung ứng và bao tiêu sản phẩm vùng sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tạo dựng thương hiệu “Lúa thơm” trên địa bàn xã Đoan Hạ. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Đoan Hạ trao đổi với phóng viên về mô hình lúa chất lượng cao ST25 và hướng tới đang đề xuất xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Nguyễn Tiến Công - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoan Hạ trao đổi với phóng viên về sản phẩm lúa ST25 mang lại hiệu quả cao cho bà con nhân dân, đặc biệt sản phẩm sẽ được trưng bày trong Tuần lễ du lịch huyện Thanh Thủy vào đầu tháng 9/2022 để quảng bá.

Trong đó, từ những ưu điểm đã được thấy về giống lúa ST25 cũng chịu sự tác động của điều kiện thời tiết như các giống lúa khác như rầy nâu hại lúa trong giai đoạn đẻ nhánh nhưng không ảnh hưởng đến năng suất do các hộ dân chủ động phun thuốc kịp thời kết hợp với giống lúa ST25 có khả năng kháng rầy cao.

Tuy nhiên, bệnh đạo ôn, bạc lá gần như không thấy xuất hiện. Nhưng nhược điểm của giống ST25 là bộ lá đòng lòng mo, rậm, dễ bị sâu cuốn lá và rầy…Tuy nhiên, đây lại là 2 loại sâu rất dễ phòng trừ. Giống ST25 không chịu được thời tiết rét, đặc biệt là thời điểm thời tiết trong ngày có rét đậm, rét hại, đối với vụ chiêm xuân đó là thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây mạ, nếu không có các biện pháp che ni lông chống rét thì cây mạ phát triển kém, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa sau này.

Thành công của mô hình thí điểm giống lúa chất lượng cao ST25 tại xã Đoan Hạ đã làm cơ sở lựa chọn giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao để đưa vào sản xuất đại trà thay thế dần giống lúa khác, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa của huyện, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Sơn Thủy/ KTDU

Từ khóa: