Trong hai ngày 02/3 - 03/3 (tức ngày mùng 3 và mùng 4 tháng 2 năm Ất Tỵ) xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) tổ chức Lễ hội truyền thống Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Sơn Vi năm Ất Tỵ 2025.

Đại biểu tham dự lễ truyền thống Đình Sơn Vi.
Tín ngưỡng thờ Tản Viên đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người Việt Nam từ bao đời nay. Có nơi thờ chính, cũng có nơi thờ vọng nhưng Đình Sơn Vi - xã Sơn Thủy luôn tự hào là mảnh đất được Đức Thánh Tản ngự trận tại nơi này - vị thần Thượng đẳng tối linh, Đệ nhất phúc thần, Nam Thiên Thánh Tổ, đứng đầu Tứ bất tử trời Nam trong tín ngưỡng cổ truyền của người Việt.
Theo ghi chép trong cuốn ngọc phả do quan đô đốc - tiến sĩ Nguyễn Hữu Công, cùng với các ông Nguyễn Công Chính và Nguyễn Minh Khai lập tại động Lăng Sương ngày 15/11, niên hiệu Thuận Thiên thứ 3 triều đại vua Lý Thái Tổ (năm 1011) nơi đây có bà Thái Vĩ (tên húy là Đinh Thị Đen) kết duyên cùng trưởng ông (tên húy là Nguyễn Cao Hành), sinh thời luôn dốc lòng làm việc phúc, tu nhân tích đức. Sau 14 tháng mang thai, vào buổi sáng trung tuần tháng Giêng năm Đinh Tỵ, bà Thái Vĩ sinh ra người con trai dáng mạo khôi ngô, tuấn tú khác thường, đặt tên là Nguyễn Tuấn.
Năm lên 6 tuổi, cha mất, Nguyễn Tuấn lớn lên trong sự dưỡng dục của mẹ và người mẹ nuôi (thường gọi là bà lão núi Ma Thị Cao Sơn thần nữ). Khi trưởng thành, nhờ có công lao to lớn trong việc giúp dân, giúp nước, Nguyễn Tuấn đã trở thành biểu tượng của vị anh hùng trị thủy, chống giặc ngoại xâm, giúp đỡ dân lành, dạy dân khai sáng nghề trồng lúa nước. Được các triều đại phong kiến phong là Tản Viên Sơn Thánh
Thánh Tản Viên Sơn là con rể Vua Hùng thứ 18, gắn liền với truyền thuyết vua Hùng kén rể tìm hiền tài. Khi được Vua Hùng truyền ngôi báu, Tản Viên Sơn không nhận mà đã khuyên Vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán để nhân dân tránh khỏi binh đao loạn lạc, lầm than. Đánh dấu sự chuyển giao từ nhà nước Văn Lang sang nhà nước Âu Lạc của lịch sử Việt Nam.


Tổ chức tế lễ Đình theo nghi thức truyền thống.
Làng Sơn Vi thuộc Bộ Văn Lang, Đình Sơn Vi được xây dựng từ xa xưa. Đình thờ Đức Thánh Tản - Ngài đã có công đánh đuổi giặc Thục và Đình thờ 2 vị Thành Hoàng bản thổ là đô đốc Quận Công (húy) Nguyễn Hồng Vân và Nguyễn Hồng Dũng là người làng Sơn Vi đã có công đánh đuổi giặc gìn giữ quê hương. Ngoài ra còn có công đánh giặc và dạy dân trồng dâu cấy lúa nước, trải qua các triều đại vua còn.
Với những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh sâu sắc, Đình Sơn Vi - Xã Sơn Thủy đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ công nhận là di tích Lịch sử năm 2001. Di tích Đình Sơn Vi đã được lập quy hoạch, tôn tạo và và xây dựng khang trang nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị của di tích.
Đình Sơn Vi bao gồm nhiều công trình kiến trúc như: nghi môn, nhà bia, nhà võng, tòa tả hữu mạc và chính điện gồm chính cung, hoành phi, câu đối tráng kiện thờ Đức Thánh, thờ 02 vị Thành Hoàng bản thổ, thờ bà nữ tướng của Bà Trưng (húy) Quỳnh Hoa và Quế Hoa.


Một số hình ảnh tại Lễ hội truyền thống Đình Sơn Vi, xã Sơn Thủy năm Ất Tỵ 2025.
Đến nay, Đình Sơn Vi còn lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật cổ minh chứng cho nguồn gốc xa xưa và bề dày lịch sử của ngôi đình như: ấn triện, cuốn Ngọc phả, lưu giữ được 4 đạo sắc phong bản gốc giấy đó, cùng nhiều di vật gắn với truyền thuyết về sự ra đời của Tản Viên Sơn Thánh.
Hơn 13 thế kỷ qua, di tích lịch sử Đình Sơn Vi đã góp phần tô đậm nét văn hóa đặc sắc, đa dạng không chỉ riêng vùng đất Sơn Thủy mà trở thành dòng chảy liên tục “hội tụ, kết tinh và lan tỏa” trong dải không gian Văn hóa các di tích đình - đền thờ Thánh Tản Viên Sơn trải khắp từ Thanh Thủy - đồng bằng châu thổ Sông Hồng tới vùng Trung du Bắc Bộ.
Lễ hội đình Sơn Vi được tổ chức vào ngày 03, 04 tháng hai hàng năm là ngày thắng trận của Đức Thánh Tản, là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của vùng núi Tản, sông Đà, thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh của dân tộc đối với Đức Thánh Tản, đề cao sự trân trọng của những cư dân nông nghiệp đối với nguồn nước đã nuôi dưỡng sự sống của họ từ ngàn xưa.



Đại biểu và nhân dân làng dâng ném tâm hương.
Lễ hội Đình Sơn Vi là sự khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy vai trò của người anh hùng văn hóa - Đức Thánh Tản Viên Sơn, được hình thành vào thời kỳ đầu của nền văn hóa và văn minh của người Việt. Với bấy nhiêu điều đủ để thấy rằng Sơn Thủy là vùng địa linh hội tụ khí thiêng của trời đất, sự bình yên, khang thái và thịnh trị (Lược trích theo ngọc phả của Sở Văn hóa và Bảo tàng Phú Thọ - Theo tư liệu Lịch sử ĐSV).
PHI LONG
Theo KTĐU