Sự kiện hot
6 tháng trước

Phú Thọ: Phát triển cây chè bền vững, nâng cao giá trị gia tăng

Phú Thọ là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất chè của Việt Nam, với diện tích chè đứng thứ 3 và sản lượng chè đứng thứ 2 cả nước. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, ngành chè Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phú Thọ là tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, có vị trí trung tâm vùng, là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Phú Thọ là một trong những tỉnh trọng điểm sản xuất chè của Việt Nam, với diện tích đứng thứ 3 và sản lượng đứng thứ 2 cả nước.

Ngành chè Phú Thọ đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Diện tích chè hiện nay là 14,7 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt 178,4 nghìn tấn. Cơ cấu giống chè đa dạng, phù hợp cho chế biến chè xanh và chè đen. Diện tích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, đầu tư thâm canh, sản xuất chè theo hướng an toàn, bền vững được mở rộng.

Ngành chè Phú Thọ đã chú trọng tổ chức lại sản xuất, liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ vào các Hợp tác xã, làng nghề, kết hợp củng cố và phát triển mới các HTX, làng nghề. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, HTX, trang trại làm đầu tàu, dẫn dắt các hộ dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Toàn tỉnh hiện có 59 công ty, doanh nghiệp chế biến chè có công suất chế biến trên 10 tấn búp tươi/ngày, trong đó có 19 cơ sở chế biến áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO, HACCP. Sản phẩm chè Phú Thọ xuất đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ,.... Một số sản phẩm chế biến sâu: Chè Ô long, chè túi lọc, nước trà đóng hộp, đóng chai, trà Matcha, chè thảo dược,... được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Công tác xây dựng và phát triển thương hiệu Chè Phú Thọ theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Năm 2020, nhãn hiệu "chè Phú Thọ" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Chè Phú Thọ” cho sản phẩm chè xanh thơm Kim Tuyến Cẩm Mỹ đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh hạng bốn sao cho HTX sản xuất chè Cẩm Mỹ. 

Hình thành các điểm sản xuất chè an toàn gắn với quảng bá, phát triển du lịch như vùng đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn), chè cổ thụ trong Vườn quốc gia Xuân Sơn (huyện Tân Sơn), đồi chè Địch Quả (Thanh Sơn), đồi chè Đồng Trung (Thanh Thuỷ),…

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song ngành chè Phú Thọ vẫn còn gặp phải một số khó khăn, thách thức như:

Về sản xuất: Sản xuất chè chủ yếu quy mô nông hộ nhỏ, kém bền vững, việc áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác còn hạn chế, chưa chú trọng canh tác chè theo hướng sinh thái, hữu cơ. Giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, công lao động tăng gây ảnh hưởng rất lớn đến khả năng đầu tư của người sản xuất. Tác động bất lợi của biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng của cây chè, nhiều diện tích chè bị cháy búp, cháy lá làm giảm sản lượng, chất lượng búp chè.

Về chế biến: Một số doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ chưa chú trọng đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến nên công suất còn thấp, lạc hậu. Sản phẩm chè đen chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô, giá trị sản phẩm thấp; sản phẩm chè xanh chủ yếu được sản xuất nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, tổ hợp tác, HTX,… sản lượng chế biến hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, ổn định.

Về thị trường: Ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine làm gián đoạn các chuỗi tiêu thụ, giá chè xuất khẩu giảm làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến.

Để phát triển cây chè theo chuỗi giá trị, xây dựng và phát triển thương hiệu Chè Phú Thọ theo hướng bền vững, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo

- Gắn quy hoạch phát triển vùng chè với quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, gắn với tái cơ cấu ngành, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch du lịch sinh thái của tỉnh.

- Cơ cấu lại ngành chè theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, tăng cường liên kết, phát triển các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật

- Phát triển các vùng nguyên liệu áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tiên tiến (GAP, RA, hữu cơ, IPHM...); kiểm soát tốt dư lượng thuốc BVTV, nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm trong sản xuất chè nguyên liệu phục vụ chế biến.

- Xây dựng các điểm thu gom, xử lý toàn bộ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho chè, đảm bảo môi trường sinh thái vùng chè.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất

- Hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng.

- Phát huy vai trò hạt nhân của các doanh nghiệp, HTX, các chủ trang trại, hộ nông dân điển hình sản xuất chè giỏi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, nâng cao giá trị sản phẩm chè

- Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại (sử dụng máy sao ga, sao điện; sấy lạnh...); đầu tư chế biến sâu, chế biến chè thành phẩm, đa dạng hóa sản phẩm chè, sản phẩm có bao bì, nhãn mác gia tăng giá trị sản phẩm chè Phú Thọ.

- Song song với phát triển chè đen, chú trọng đẩy mạnh chế biến chè xanh chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu.

- Thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến chè theo công nghệ mới, áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (HACCP, ISO), kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè; hình thành, phát triển các chuỗi sản xuất bền vững, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Thứ năm, mở rộng thị trường tiêu thụ

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân năng lực tiếp cận thị trường (thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ thương hiệu.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các Hội chợ triển lãm trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè Phú Thọ, mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ đặc biệt là các thị cấp cao Hàn Quốc, Nhật Bản….

- Củng cố, phát triển các điểm, các kênh phân phối chính thức và uy tín như cửa hàng giới thiệu sản phẩm, siêu thị, sàn giao dịch thương mại điện tử, hình thành hệ thống bán buôn, bán lẻ, bán hàng trên mạng xã hội (Facebook, zalo...).

Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, ngành chè Phú Thọ sẽ tiếp tục phát triển bền vững, góp phần nâng cao giá trị gia tăng, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Bảo An 

Theo Kinh tế và Đồ uống 

Từ khóa: