Việc khai thác khoáng sản cao lanh Công ty TNHH Tiến Đạt hoạt động gần 2 năm nay cả ngày và đêm oanh tạc khắp các trục đường trên địa bàn xã Sơn Thủy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Phóng viên “mục sở thị” tại nơi khai thác khoáng sản cao lanh của Công ty TNHH Tiến Đạt tại Khu 7 xóm Sương Bồ, thôn Phù Lao, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Theo ghi nhận, những ngọn đồi cao đang dần bị xẻ ngọn, hạ độ cao, Công ty TNHH Tiến Đạt đang khai thác khoáng sản cao lanh một cách rầm rộ, những quả đồi đang bị xẻ thịt, băm nát, khoét thành vực sâu tràn lan để lấy khoáng sản “vàng trắng” cao lanh.
Những quả đồi Công ty TNHH Tiến Đạt đang xẻ thịt lấy “vàng trắng”
Thực tế, đây là những cánh rừng xanh chạy dài phủ xanh để chống sói mòn và tránh trong mùa mưa bão. Nhưng không rõ vì lý do gì mà Công ty TNHH Tiến Đạt lại được cấp phép để khai thác, xẻ thịt từng quả đồi để lấy khoáng sản cao lanh, biến những ngọn đồi thành điểm khai thác như một “đại bản doanh” tự trị. Toàn cảnh là một thung lũng sâu, những màu vàng trắng thay cho màu xanh trước đây.
Trước tình trạng khai thác khoáng sản cao lanh của Công ty TNHH Tiến Đạt tại địa bàn xã Sơn Thủy, dư luận đặt ra câu hỏi việc khai thác như vậy có đúng phép hay không? Tại sao những quả đồi xanh nơi thượng nguồn lại được cấp phép để cho doanh nghiệp tư nhân khai thác? Tình trạng khai thác nhiều như vậy nếu vào mùa mưa bão thì bìa rừng không còn vậy lượng nước mưa lũ kéo về người dân sẽ ảnh hưởng tới hoa màu, đường xá…
Người dân “ngậm bồ hòn làm ngọt”
Từ “công trường” những chiếc xe tải đang ngày đêm làm nhiệm vụ cõng cao lanh từ các điểm đồi xuống nơi tập kết để mang đi tiêu thụ. Tại Khu 1, xã Sơn Thủy có những chiếc xe tải “ngang nhiên” chở cao lanh đi trên đường dân sinh, gây ra bụi bẩn, ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân địa phương. Tính từ công trường khai thác khoảng 1km đường đất bị băm nát, vào những ngày trời mưa, việc đi lại của người dân rất là khó khăn và khổ cực. Bên cạnh đó, còn có khoảng 1km hệ thống đường bê tông chạy qua xóm đồi Ao Quan thuộc Khu 1, xã Sơn Thủy gần như bụi bẩn, hệ thống đường bê tông đoạn qua nghĩa trang làng Thủy Trạm bị rạn nứt, xuống cấp nghiêm trọng.
Trao đổi với phóng viên về tình hình xe tải chở cao lanh, anh N.N.Đ người dân sinh sống tại đây chia sẻ: "Từ ngày có Công ty TNHH Tiến Đạt khai thác khoáng sản quặng cao lanh trong xóm Sương Bồ thuộc thôn Phù Lao, lượng xe của công ty chạy qua nhà tôi đã gây ra tình trạng đường đất bị băm nát, vào những ngày trời mưa gió việc đi lại rất khó khăn, còn trời nắng thì bụi bẩn rất nhiều. Việc xe tải chở quặng cao lanh đi qua nhà khiến nhiều lúc tôi đang nghỉ trưa rất ồn và có hiện tượng rung nhà…".
Xe tải đang chở cao lanh ra bãi tập kết.
Con đường tại Khu 1 xã Sơn Thủy chạy dài hàng km đang xuống cấp do xe tải chở quặng cao lanh chạy qua
Chính quyền sở tại nói gì?Còn ông N.V.L bức xúc chia sẻ: "Nhà tôi xây dựng từ năm 2008, việc xe tải chở quặng cao lanh chạy qua khiến nhà cửa bị rung, còn trước đó việc xe chở đất cát thì rất lâu rồi hàng chục nghìn khối đất người ta chở suốt. Công ty TNHH Tiến Đạt khai thác quặng cao lanh và chạy qua nhà tôi, những xe trọng tải hơn chục tấn thì chạy ban ngày, còn những xe tải to 3 chân chạy ban đêm thì không bao giờ dưới 30 tấn. Việc xe tải chạy qua, tiếng ồn rất lớn và gây ra “nứt tường nhà”. Còn con đường chạy qua khu nghĩa trang thôn Thủy Trạm do xã và nhân dân cùng làm thì hiện nay bị sụt lún hết và nứt nẻ". Nguyện vọng mong muốn của gia đình ông L. là xe tải chạy qua khu có dân cư nên đi chậm lại và đề nghị tưới nước vào những ngày trời nắng cho không bụi bẩn.
Để xác minh rõ về thông tin tình hình khai thác khoáng sản quặng cao lanh của Công ty TNHH Tiến Đạt đang khai thác trên địa bàn xã Sơn Thủy gây ảnh hưởng tới môi trường, hệ thống đường bị xuống cấp, gây nứt nhà dân... Phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Anh Tùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Thủy và ông Tùng cho biết: Công ty TNHH Tiến Đạt đã được cấp phép. Các Phòng, Ban vẫn kiểm tra, giám sát thường xuyên, nếu sai phạm thì vẫn xử lý theo quy định của pháp luật. Việc giám sát trực tiếp thông qua công dân là rất quan trọng. Việc Phòng, Ban kiểm tra thì phải có đợt kiểm tra và thường là một năm có vài đợt đi kiểm tra. Việc dân phản ánh tuyến đường bị băm nát thì đơn vị chưa nhận được nên sẽ kiểm tra và có biện pháp xử lý sau.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy cũng thông tin thêm với báo chí rằng: Công ty TNHH Tiến Đạt khai thác vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016. Khi đi vào hoạt động khai thác thì công ty này được cấp phép từ cấp Bộ, cấp tỉnh để khai thác khoáng sản tại địa phận thuộc Khu 7 xã Sơn Thủy. Bước đầu thì địa phương đã có biên bản làm việc và Giám đốc Công ty TNHH Tiến Đạt là ông Nguyễn Mạnh Hùng, có biên bản với UBND xã về con đường,… toàn đoạn đường hỏng đâu thì Công ty chịu trách nhiệm sửa chữa, làm lại. Việc gây nứt nẻ nhà cửa thì chính quyền chưa nhận được ý kiến nào của nhân dân.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được xem hồ sơ về việc cấp phép của Công ty TNHH Tiến Đạt thì ông Dũng không cung cấp được.
Trước sự việc trên, tòa soạn chuyển nội dung trên đến UBND tỉnh Phú Thọ, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, UBND huyện Thanh Thủy xem xét.
Vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản có thể bị phạt tới 2 tỷ đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20/5/2017.
Theo đó, vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản; vi phạm các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Vi phạm các quy định về sử dụng số liệu, thông tin kết quả điều tra địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản; vi phạm các quy định về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; Vi phạm các quy định về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; vi phạm các quy định về kỹ thuật an toàn mỏ và các vi phạm khác trong lĩnh vực khoáng sản.
Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 - 12 tháng.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước là 250 triệu đồng đối với cá nhân, 500 triệu đồng đối với tổ chức.
Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản là 1 tỷ đồng đối với cá nhân, 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
|
Nhóm PVPL
Theo Giadinhphapluat