Cao Toàn Mỹ tính toán đến mấy, cũng gặp ngay một Phương Nga chẳng vừa, đầy kinh nghiệm khi đổi chác, cũng như đầy kinh nghiệm khi đứng trước vành móng ngựa.
Giống như một dạng hiệu ứng đám đông, phiên tòa xét xử Hoa hậu Phương Nga thu hút sự chú ý của dư luận ngay từ khi bắt đầu. Phủ kín các trang mạng xã hội, người ta rôm rả bàn tán về cuộc chiến Nga – Mỹ.
Điều lạ là, phần đông ý kiến đều nghiêng về sự bênh vực Phương Nga, chỉ trích dữ dội Cao Toàn Mỹ, bởi một lý do đơn giản đến không ngờ “Bắc thang lên hỏi ông trời, mang tiền cho gái có đòi được không”. Cách “cù nhầy” đòi tiền sau khi cho gái của Cao Toàn Mỹ đẩy anh ta đứng một mình một chiến tuyến trong cuộc tranh cãi của dư luận.
Cho đến chiều 29/6, khi chủ tọa phiên tòa đọc quyết định cho hoa hậu Phương Nga tại ngoại, thì gần như một làn sóng lướt qua facebook, lướt qua những câu chuyện rôm rả chốn công sở, lướt qua trà đá vỉa hè…người ta hết lời ca ngợi, tung hô Phương Nga, đưa cô lên một tượng đài sừng sững – trở thành “nữ chiến binh”.
Không bàn tới chuyện ai đúng, ai sai, đó là câu chuyện của pháp luật, ai sai tới đâu sẽ phải chịu tới đó. Nhưng đứng dưới góc độ xã hội, góc độ con người, góc độ đạo đức, lý do gì để tung hô Phương Nga?
Người thứ ba
Phương Nga là người thứ 3, điều đó rõ như ban ngày, không có gì phải bàn cãi. Chính Phương Nga đã tuyên bố điều đó khi khai trước tòa: "Quan hệ của bị cáo với anh Mỹ là mối quan hệ nghiêm túc chứ không phải là mối quan hệ qua đường hay là mối quan hệ mà tôi phục vụ để được nhận lương.”
Phương Nga cũng thừa nhận được Cao Toàn Mỹ chuyển 16,5 tỷ đồng vào tài khoản, vì “anh Mỹ là người yêu, nên tôi nghĩ anh có nghĩa vụ chăm sóc tôi.”
Vậy là đã rõ, Phương Nga chấp nhận chung sống, “ở cùng phòng khi đi du lịch nước ngoài” với Cao Toàn Mỹ, để lấy một số tiền mà ông Mỹ vì thiếu tin tưởng phải bắt viết giấy cam kết.
Showbiz Việt từng sôi sùng sục những nghi án người thứ ba của Hồ Ngọc Hà, Linh Chi, Lương Bích Hữu, Linh Nga… Chưa bàn đến việc có tình yêu thực sự tồn tại hay không, nhưng mỗi lần dấy lên tin đồn tình ái giữa một bên là đại gia đã có gia đình – một bên là diễn viên, ca sĩ, người mẫu…, hậu quả là sự tẩy chay dữ dội của khán giả, của các nhãn hàng, các hợp đồng quảng cáo. Thậm chí, nhiều nghệ sỹ lao đao đến mức bỏ nghề vì không chịu được áp lực dư luận.
Về mặt đạo đức, sao dư luận không chỉ trích Phương Nga như những người đẹp khác trong showbiz, mà lại mạnh mẽ bênh vực đến nhường ấy? Dư luận từng khóc cho con của Chu Đăng Khoa khi cho rằng những đứa trẻ này bị Hà Hồ cướp mất bố, từng “hắt nước vào mặt” Linh Chi khi cô tay trong tay Lâm Vinh Hải, vậy có ai nghĩ đến sự nhục nhã mà gia đình Cao Toàn Mỹ đang phải gánh chịu ngày anh ta đưa Phương Nga ra hầu tòa?
Mua bán, đổi chác
Mối quan hệ giữa Cao Toàn Mỹ và Phương Nga, có phải quan hệ nghiêm túc, không phải dạng qua đường như Nga nói hay không, chỉ người trong cuộc mới biết. Nhưng từ đầu tới cuối, nó đã bộc lộ đầy đủ tính chất của cuộc mua bán, đổi chác.
Cao Toàn Mỹ bỏ ra 16,5 tỷ đồng để thương lượng với Phương Nga thứ anh ta muốn, dĩ nhiên Phương Nga đồng ý cho tới khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt, đẩy nhau đến vòng lao lý.
Rõ ràng Phương Nga chấp nhận một cuộc đổi chác để có cuộc sống nhàn hạ, với số tiền lớn trong tay. Ở đây, phải dùng đúng câu “nồi nào lại úp vung đó”. Cao Toàn Mỹ thấy “thương vụ” không xứng với cái giá 16,5 tỷ đồng thì đòi, con Phương Nga thấy số tiền đó phải thuộc về mình, nên không trả.
Cao Toàn Mỹ tính toán đến mấy, cũng gặp ngay một Phương Nga chẳng vừa, đầy kinh nghiệm khi đổi chác, cũng như đầy kinh nghiệm khi đứng trước vành móng ngựa.
Không ai có đáng thương hay đáng trách ở đây cả. Cả Cao Toàn Mỹ và Phương Nga, đều tự nguyện chấp nhận cuộc đổi chác này, để có được thứ họ muốn.
Nhìn cảnh trái ngược của Cao Toàn Mỹ và Phương Nga khi rời phiên tòa chiều 29/6, một bên là sự dè bỉu, chửi bới, chỉ trích – một bên là sự tung hô như chiến thắng của công lý, của lẽ phải, của người hùng – trong khi chưa có phán quyết cuối cùng của tòa án, mới thấy, tiếng nói của dư luận cảm tính, và hiệu ứng đám đông, lớn đến nhường nào.
Những người đang góp phần vào làn sóng “ghét Mỹ bênh Nga” đó, liệu có nghĩ đến việc đang vô tình tạo sức ép lên chính những người thực hiện công lý, những người mà không thể vì ghét ai hay yêu ai, mà chiều theo ý dư luận?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Phong Vũ
Theo Vtc.vn