Giá dầu Brent tương lai tăng 0,4% trong khi WTI giảm 0,8%.
Mỹ công bố GDP giảm trong hai quý liên tiếp, làm gia tăng quan ngại về suy thoái.
Vàng có phiên tăng giá mạnh nhất từ tháng 3.
Giá dầu thế giới trái chiều trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về một cuộc suy thoái có thể nổ ra trên quy mô toàn cầu dù đón nhận thông tin tích cực từ nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ.
Giá dầu Brent tương lai tăng 0,52 USD, tương đương 0,4%, lên 107,14 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,84 USD, tương đương 0,8% xuống 96,42 USD/thùng.
Đà tăng của giá dầu thu hẹp sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố tăng trưởng quý II của Mỹ. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II của quốc gia này giảm trong hai quý liên tiếp, làm gia tăng quan ngại về một cuộc suy thoái, "cơn ác mộng" đối với nhu cầu dầu mỏ. Chi tiêu tiêu dùng tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng hai năm qua, đầu tư tư bản cũng trong xu hướng giảm.
“Nếu suy thoái nổ ra, đó chỉ là một cuộc suy thoái nhẹ”, theo Phil Flynn, Chuyên gia phân tích tới từ Price Futures. “Nhìn vào thị trường dầu mỏ, cung vẫn đang ở dưới ngưỡng trung bình trong khi nhu cầu tăng nhanh hơn dự báo”, ông nói.
Nhà đầu tư cũng dành sự quan tâm tới báo cáo mới được công bố của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày 27/7. Theo đó, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm về ngưỡng 4,5 triệu thùng trong tuần trước trong khi nhu cầu nhiên liệu phục hồi, tăng 8,5%.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ chạm ngưỡng kỷ lục 4,5 triệu thùng/ngày trong bối cảnh giá dầu WTI đang rẻ hơn so với Brent. Tuy nhiên tăng trưởng sản lượng của Mỹ sẽ không quá nhanh do thiếu hụt thiết bị và nhân lực, bên cạnh đó là tình trạng suy giảm vốn đầu tư.
Giá dầu tiếp tục nhận được hỗ trợ từ tâm lý quan ngại nguồn cung khan hiếm khi Nga và các quốc gia phương Tây đối đầu nhau. Nhóm G7 dự kiến áp giá trần đối với dầu của Nga vào ngày 5/12 tới, theo một lãnh đạo cấp cao.
Trong khi đó, Nga đã cắt giảm nguồn cung khí đốt tới châu Âu qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 khoảng 20%. Điều này có thể khiến các quốc gia tại lục địa già phải sử dụng nhiều dầu hơn để bù đắp nhu cầu năng lượng, qua đó thúc đẩy giá dầu trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, đà tăng có thể chững lại sau khi Libya tung ra thị trường khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày trong quý I/2023.
OPEC+ sẽ được dự báo giữ nguyên kế hoạch sản lượng trong kỳ họp tháng 9 tới dù Mỹ liên tục kêu gọi nhiều thành viên trong nhóm gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng phương án tăng nhẹ sản lượng sẽ được đưa ra bàn thảo.
Kim loại quý
Giá vàng tương lai giao tháng 8 trên sàn Comex, New York tăng 31,20 USD, tương đương 1,8%, lên 1.750,3 USD/ounce.
Giá vàng có phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ tháng 3 sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố GDP quý II của Mỹ giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước. GDP của Mỹ “đi lùi” quý thứ hai liên tiếp, sau khi giảm 1,6% trong quý I, thỏa mãn khái niệm về một cuộc suy thoái kỹ thuật.
Giá vàng đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD. Đồng bạc xanh, đối trọng lớn của vàng, giảm gần 1% trong hai phiên giao dịch gần nhất so với một rổ sáu đồng tiền quan trọng khác. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ khả năng cao đã đạt đỉnh trong thời gian vừa qua.
Nhà đầu tư gia tăng quan ngại về một cuộc suy thoái, và xấu hơn là một giai đoạn lạm phát đình đốn (đình lạm). Fed có thể buộc phải tăng chậm lãi suất trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế, và khi đó, dòng tiền đổ vào vàng, một kênh đầu tư an toàn truyền thống, chắc chắn sẽ tăng lên.
Trọng Đại
Theo ndh.vn