Liên quan đến vụ việc phá rừng nghiêm trọng ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng mà Báo Đời sống & Tiêu dùng đã phản ánh, cơ quan chức năng Quảng Bình đã khởi tố vụ án , khởi tố 7 bị can.
7 bị can bị khởi tố “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, quy định tại khoản 3, Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Mai Văn Dinh (SN 1970, trú thôn Cù Lạc), Lê Văn Trung (SN 1980, thôn Hà Lời), Trần Văn Viên (SN 1967, trú thôn Cù Lạc 1), Nguyễn Văn Hùng (SN 1985, thôn Xuân Sơn), Trần Văn Hoan (SN 1988, Xuân Sơn), Mai Kiên Cường (SN 1981, thôn Gia Tịnh), Mai Văn Bình (SN 1977, Gia Tịnh). Các bị can đều trú tại xã Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình).
Trong số đó, bị can Mai Kiên Cường bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú, 6 bị can còn lại bị tạm gian thời hạn 4 tháng để điều tra.
Như Báo Đời sống và Tiêu dùng đã thông tin, tại khu rừng nguyên sinh thuộc tiểu khu 649, 650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, hàng chục cây gỗ mun (một loại gỗ quý hiếm nhóm 2A) cùng nhiều loại gỗ khác đã bị “lâm tặc” triệt hạ, cưa xẻ và đưa ra khỏi rừng trót lọt.
Việc khai thác và vận chuyển trót lọt nhiều loại gỗ, nhất là gỗ mun quý hiếm ra khỏi rừng thực sự là một vụ việc nghiêm trọng và đáng báo động. Cùng với đó, địa điểm “lâm tặc" khai thác gỗ lại nằm trong khu vực biên giới, thuộc địa phận xã Thượng Trạch huyện Bố Trạch. Đây là địa điểm “lâm tặc” khai thác gỗ nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng di sản Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha - Kẻ Bàng; từ các địa bàn dân cư, "lâm tặc" ngang nhiên ra vào rừng cấm để khai thác và vận chuyển gỗ ra ngoài chỉ bằng một con đường độc đạo.
Qua kiểm tra, có 44 cây gỗ mun bị chặt hạ, số còn lại là gỗ táu, trâm, bài lài… Dấu vết để lại, có thể thấy lâm tặc đã dùng cưa xăng để đốn hạ và thời gian khai thác vào khoảng tháng 11 và 12 năm 2018 .
Ngay sau khi hiện trường vụ phá rừng bị phát lộ, lực lượng chức năng của Quảng Bình đã tổ chức kiểm tra và phát hiện tại một nhà lán, nằm cạnh đường 20 - Quyết Thắng, cách Đồn Biên phòng Cồn Roàng 2km, thuộc bản Cóc, xã Thượng Trạch có chứa 40 lóng, hộp gỗ mun với gần 1m2. Ngôi nhà lán này do Mai Văn Dinh thuê lại làm nhà kho.
Mặc dù vụ án đã được khởi tố, các nghi phạm trực tiếp gây ra vụ phá rừng nghiêm trọng này đã bị khởi tố, tạm giam nhưng tồn tại một vấn đề dư luận quan tâm là: Trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, Ban quản lý vườn ở đâu? Sẽ bị xử lý như thế nào khi để tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng và trong một thời gian dài?
Bùi Tuấn
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng