Ngày 16 và 17/3, tại làng Thu Bồn, xã Duy Tân (huyện Duy Xuyên - Quảng Nam) diễn ra lễ hội Bà Thu Bồn, thu hút hàng vạn người đến dâng hương và tham quan. Lễ hội này vừa mang ý nghĩa tôn vinh “Bà mẹ xứ sở”, vừa giao thoa giữa văn hoá Việt – Chăm – Cơ Tu.
Bà Thu Bồn – Bà mẹ xứ sở
Truyền thuyết về Bà Thu Bồn được kể theo nhiều cách khác nhau trong dân gian với rất nhiều dị bản. Khi thì Bà là một nàng công chúa xinh đẹp của Vua Mây, có khi lại là một nữ tướng người Chăm uy nghi khí phách, khi thì Bà lại là một nữ tướng người Việt dưới triều Lê...
Trong những truyền thuyết này, dù là công chúa hay nữ tướng, là người Việt hay Chăm thì đều có một điểm chung là Bà đều hy sinh trong chiến trận, xác trôi dạt trên dòng Thu Bồn và được người dân nơi đây đưa về chôn cất. Từ đó bà hiển linh ứng cứu giúp đỡ nhân dân trong muôn cơn bĩ cực, thiên tai, bệnh dịch, đói nghèo... và được người dân suy tôn, lập đền thờ chiêm bái.
Một truyền thuyết khác mang nhiều màu sắc thần thoại vẫn được lưu truyền ở địa phương kể: làng Thu Bồn ngày xưa có gia đình phú hộ sinh được người con gái đẹp, vừa sinh ra đã có mái tóc dài xõa lưng, lúc chào đời không khóc mà nở nụ cười. Khi lên năm tuổi, cô gái đã biết y thuật để trị bệnh cho dân. Càng lớn cô càng xinh đẹp nhưng không chịu lấy chồng mà chỉ tập trung cứu người. Cô chữa bệnh bằng phương pháp ngoại khoa và thảo dược rất hiệu nghiệm, chữa khỏi cho nhiều người bị bệnh nan y ở các nơi trong vùng và chẳng hề lấy công. Năm 50 tuổi, bà được tôn là Đức Bà Hằng Cứu Thế. Truyền thuyết kể lại bà đã “nhập Bồng Lai” vào đúng giờ Ngọ ngày 12/2 âm lịch. Trước khi tạ thế, bà ngồi tĩnh tọa trước nhà, dặn lại vài điều rồi “hóa”, cả người trở nên cứng như pho tượng.
Lễ tẩm liệm bà được tổ chức theo lời dặn lại là chỉ dùng hoa lá và sau đó được quàn ở đình làng Thu Bồn bảy ngày bảy đêm do các chức sắc trong làng túc trực hương khói. Bỗng nhiên vào một đêm, người ta nghe hương thơm của hoa sứ bay tỏa khắp làng, nắp áo quan bị mở tung và bên trong chứa đầy một loại hoa sứ trắng. Còn thân xác bà và những loại lá cỏ tẩm liệm không ai biết đã biến đi đâu. Từ đó về sau, những năm hạn hán, lụt lội người dân trong vùng đói khổ, bà đều linh ứng hiện về cứu giúp khôi phục mùa màng… Để đền đáp công ơn độ thế của bà, dân trong vùng quyết định xây một dinh thờ lớn thờ chiếc áo quan và hành lễ hàng năm, trong sân dinh trồng nhiều cây hoa sứ và một cây đa… Trên trụ cổng Dinh Bà còn câu đối “Hiển hách thiêng liêng tại/Anh linh vạn cổ tồn”.
Đặc sắc lễ Rước sắc
Dưới triều vua Minh Mạng, Bà được sắc phong là “Mỹ Đức Thục Hạnh Bô Bô Phu nhân Thượng đẳng thần” mà nay bài vị thờ trong Dinh Bà còn ghi. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hồng, dù là Bô Bô Phu nhân theo tên Chăm hay Bà Thu Bồn theo cách gọi Việt, thì đó vẫn là “sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố Chăm - Việt trong tín ngưỡng, thể hiện ở chỗ Bà được xem là vị thần bảo hộ cho cả cư dân sống trên cạn và cư dân sống bằng nghề sông nước...
Phần lễ năm nay được tổ chức theo nghi lễ truyền thống gồm lễ bài trí, lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ đại tế, lễ hoàn sắc mang không khí rực rỡ, cổ xưa với những đoàn rước cùng tán lọng, kiệu vai, cờ xí đủ màu sắc...
Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như hát bài chòi, hát tuồng, đua thuyền nam - nữ, bóng. Trong đó, lễ rước Sắc được tiến hành trên cạn với 9 đội hình trông rất oai nghiêm gồm: lân; cờ đại; cờ ngũ sắc; nhạc cổ; trống chiêng; kiệu rước Sắc; lính hộ tống; đội hình phụ nữ và bô lão.
Ông Hồ Ngọc Tuấn – Trưởng ban tổ chức cho biết: ‘‘Để đảm bảo nghi thức uy nghiêm, lễ Rước sắc nhập Dinh luôn được dân làng chuẩn bị rất chu đáo. Lễ Rước sắc mô phỏng lại cảnh quan quân triều đình nhà Nguyễn về tuyên chỉ sắc phong; có nhạc cụ, lọng, cờ, chinh cổ đi kèm. Những người khiêng kiệu sắc được dân làng tuyển chọn là người có phẩm hạnh, để bày tỏ lòng thành kính một mực hướng về Bà’’.
Dân làng trong trang phục truyền thống, đàn ông áo dài khăn đóng, phụ nữ áo dài nón lá chỉnh tề cùng tham gia đoàn rước sắc. Sau khi lễ cúng nhập Dinh, sắc phong của Bà được nghinh toạ trên bàn thờ cao nơi chính điện
Nếu như phần lễ mang lại một không khí rực rỡ và cổ xưa với những đoàn rước cùng tán lọng, cờ xí, kiệu vai đủ màu sắc và trang phục các dân tộc Việt, Chăm, Katu... diễu hành qua những cảnh sắc làng ven sông tuyệt đẹp của xứ Quảng từ những mái ngói và hàng cau sương đọng, lũy tre mơ màng ven sông và triền sông Thu trải dài trong nắng sớm... thì phần hội cũng có sức hút sôi động riêng của nó với những hoạt động truyền thống như đua ghe, đêm hát bội, thả hoa đăng trên sông Thu, trò chơi dân gian và cả những cuộc thi đấu thể thao mang màu sắc hiện đại luôn đông nghịt người tham gia, đến xem và cổ vũ.
Ông Trương Văn Ý (thôn Thu Bồn Đông, xã Duy Tân) chia sẻ: ‘‘Lễ hội là dịp để chúng tôi có thể tỏ lòng thành kính biết ơn sự che chở của Bà cho dân làng sống trên bờ cũng như trên sông nước được bình an, ấm no. Đây là lễ hội lớn mang màu sắc tín ngưỡng dân gian có từ bao đời nay, nó thể hiện tinh thần đoàn kết các dân tộc Chăm, Cơ Tu, Kinh sinh sống vùng thượng lưu sông Thu Bồn, Vu Gia của chúng tôi’’.
Trải qua hơn 300 năm, Dinh Bà và Lễ hội Bà Thu Bồn vẫn luôn là một nét văn hóa tâm linh truyền thống, mang nhiều ý nghĩa đối với cư dân xứ Quảng; trở thành một hoạt động văn hóa mang đặc trưng sắc thái vùng miền, thể hiện tính giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa tâm linh với văn hóa hiện đại của các dân tộc Việt - Chăm và các dân tộc thiểu số vùng thượng lưu sông Thu Bồn - Vu Gia. Mỗi năm người đi trẩy hội và lễ cúng Bà càng đông hơn, như một tín ngưỡng cầu mong mưa thuận gió lành, gia đình sum vầy hạnh phúc.
Từ năm 2005 đến nay, lễ hội Bà Thu Bồn được tỉnh Quảng Nam đưa vào chương trình lễ hội "Quảng Nam - hành trình di sản".
Yến Nhi
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng