Sự kiện hot
8 năm trước

Quảng Nam: Khẩn cấp tìm giải pháp trùng tu di tích chùa Cầu

Ngày 16/8, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo quốc tế Trùng tu chùa Cầu – quan điểm và giải pháp với sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành chuyên nghiên cứu về di sản Việt Nam và thế giới.

Đến nay, Chùa Cầu đã trải qua 7 đợt tu bổ lớn, nhưng hiện di tích này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Hằng ngày, Chùa Cầu phải đón tiếp lượng khách trung bình 4.000 lượt khách. Cùng với đó, nhiều tác động khác đang làm cho các mố, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, kèo có dấu hiệu mục rỗng, hư hỏng…


Các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà quản lý bàn phương án trùng tu và bảo tồn Chùa Cầu

Trước thực trạng xuống cấp ngày một nghiêm trọng của công trình kiến trúc được ví như biểu tượng của đô thị cổ một thời là thương cảng sầm uất, hàng chục vị giáo sư, tiến sĩ cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước đã có buổi bàn luận, trao đổi xoay quanh vấn đề giải pháp trùng tu chùa Cầu.

Theo GS.TS Trương Quốc Bình (Uỷ viên Hội đồng Di sản quốc gia) việc bảo quản, sửa chữa di tích phải đảm bảo các yêu cầu sau: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành của công trình; công bố công khai quy hoạch, dự án đã được phê duyệt; bảo đảm tính xác thực của di tích, không làm sai lệch nội dung vốn có của di tích lịch sử; hạn chế tối đa mọi sự thay thế, nhất là sử dụng vật liệu, chất liệu mới.

Đóng góp ý kiến bàn về công tác trùng tu, nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ bày tỏ quan điểm trong thi công tu bổ: cần bảo tồn các cấu kiện gỗ có hình thức, kiểu kết cấu như chốt nêm thanh trính như ngày trước; phần đế xây đá làm trụ cầu và chùa cố gắng giữ nguyên nếu tháo ra cũng cần phục dựng làm phần bao che như thiết kế ban đầu; phần sơn phủ, tô màu cần tìm hiểu kĩ màu sơn, nguyên liệu sơn để phục chế; tìm biện pháp chống ẩm và sử dụng các loại gỗ tốt chịu được nước…


Di tích chùa Cầu đang xuống cấp từng ngày

Còn theo GS.TSKH Vũ Minh Giang (phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia), việc trùng tu cần phải theo quan điểm đồng bộ, toàn diện. Nên tháo dỡ toàn bộ, làm hồ sơ chi tiết, gia cố, phục chế những bộ phận hư hại nặng rồi phục dựng. Không nên kéo dài dài tình trạng hư đâu sửa đấy khiến cho di tích dần biến dạng. Trước khi tu sửa phải làm cầu thay thế để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách.

Bên cạnh các ý kiến của chuyên gia trong nước, tại hội thảo, đại diện phía Nhật Bản, ông Toshio Shimada (nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản) cam kết phía Nhật Bản sẽ phối hợpvà hỗ trợ tối đa để Việt Nam sớm thực hiện công tác trùng tu di tích mà người Nhật đã góp công xây dựng. “Trước mắt, phía Nhật sẽ trình bày những kĩ thuật và ý tưởng được sử dụng tại Nhật để Việt Nam xem xét áp dụng. Ngoài ra, các kỹ sư Nhật sẽ đưa ra quan điểm để Việt Nam tham khảo”.

Kết luận hội thảo, đại diện chính quyền Quảng Nam ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn trước những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia. Đồng thời hy vọng trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp sức để việc trùng tu di tích chùa Cầu.

theo Công lý

Từ khóa: