Hằng năm, cứ vào ngày 15-17/4 Âm lịch, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi lại tổ chức lễ hội Điện Trường Bà (lễ hội được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia), lễ hội dân gian mang tính đặc trưng độc đáo có sự tích hợp, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau như Kinh, Cor, Hoa, Chăm...
Quang cảnh Lễ hội Điện Trường Bà tại thị trấn Trà Xuân, huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi). (Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm/Vietnam+)
Đây là lễ hội được tổ chức hàng năm với sự tham gia của hàng nghìn đồng bào Kinh, Thượng (Cor) ở Trà Bồng, người Champa, người Hoa ở các tỉnh bạn nhằm ôn lại sự hình thành của Điện Trường Bà, nhớ về những ngày đầu của miền đất và con người Trà Bồng, nơi cội nguồn của quế, trầu và mật ong của vùng đất Tây Bắc tỉnh Quảng Ngãi.
Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc thể hiện lòng thờ kính, biết ơn đối với Thánh mẫu Thiên Y-A-Na và các vị thần khác được nhân dân địa phương thờ phụng từ hàng trăm năm nay.
Các hoạt động chính của lễ hội Điện Trường Bà được tổ chức vào đúng ngày 16/4 Âm lịch.
Lễ hội được tổ chức thành nhiều phần khác nhau chủ yếu gồm: Lễ mộc dục, lễ tế ngoại đàn, lễ hội hiến trâu, cồng chiêng, múa Cadháu (cà đáo), lễ chánh tế, lễ hội Hoa đăng, và phần hội với nhiều hoạt động dân gian mang tính đặc trưng riêng như: biểu diễn võ thuật, cồng chiêng các dân tộc; diễn tuồng, hát bộ, bài chòi, thi đấu cờ người, múa lân, thi đấu bóng chuyền, hát dân ca địa phương, đi cà kheo, kéo co; mời các đoàn nghệ thuật hát bá trạo, tuồng trong và ngoài tỉnh về biểu diễn phục vụ nhân dân trong dịp lễ hội.
Trong các hoạt động lễ hội tại Điện Trường Bà còn thể hiện sự giao thoa văn hóa đậm nét giữa các dân tộc anh em nhất là giữa đồng bào Cor và Kinh. Nếu như lễ tế ngoại đàn, chánh tế thể hiện văn hóa của người Việt, thì lễ hiến trâu, múa cồng chiêng... mang nét đặc trưng của đồng bào Cor. Không chỉ vậy, phần nghi thức được thực thi trong lễ hội và các vật phẩm cống lễ cũng mang âm hưởng văn hóa của một số dân tộc anh em khác trong vùng.
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi, cho biết theo nhiều di tích và văn bản để lại, vào khoảng thế kỷ 14-15, người Chăm đã sinh sống tại thị trấn Trà Xuân, huyện miền núi Trà Bồng và xây Điện Trường Bà để thờ phụng, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với Thánh mẫu trong việc giúp dân tộc Chăm khai hoang, mở đất và có cuộc sống no đủ.
Cách đây khoảng 15 năm, khi dọn dẹp đống gạch đá đổ nát trong khuôn viên ngôi đền, cơ quan chức năng đã phát hiện phần đầu một tượng đất nung rất nhỏ. Một nhà dân tộc học người Pháp nhận định đó là tượng có niên đại trên 1.500 năm. Trong dịp tổ chức Lệ xuân Điện Trường Bà năm 2011 vừa qua, tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ đã trao lại bức tượng này cho Ban Quản lý Điện Trường Bà.
Điều khác biệt của Điện Trường Bà ở Trà Bồng so với những điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y-A-Na tại nhiều địa phương là ngoài việc thờ phụng thần Y-A-Na, người dân địa phương còn thờ hai vị thần nhân có thật trong lịch sử là Trấn Quốc công Bùi Tá Hán và Phó đô tướng Dương võ công thần Mai Đình Đông (Dõng). Bên ngoài điện, nằm về phía Tây còn có miếu thờ bạch hổ sơn quân. Tương truyền xưa kia khi núi rừng còn hoang vu, nhờ có "ông Hổ trắng" bảo vệ, muông thú không dám về quấy phá dân làng.
Điện Trường Bà đã trở thành di sản văn hóa vô giá. Nhân dân các dân tộc huyện Trà Bồng nói riêng và nhân dân trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi nói chung vẫn luôn hướng về quê hương đất Quế Trà Bồng, nơi có Điện Trường Bà, có trầu cau, quế ngọt, có cộng đồng dân cư các dân tộc cùng chung sống đoàn kết một lòng, xây dựng nên đất quế hôm nay.
Sau khi vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng và trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, huyện Trà Bồng tiếp tục đầu tư, tôn tạo, nâng cấp di tích, đồng thời tổ chức trọng thể ngày Lệ Xuân và Lệ Thu hàng năm.
Nguyễn Đăng Lâm
theo Vietnam+