Hiện trường khu vực bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)
Ngày 6/11, một dòng chảy lớn quét qua thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi (gần khu vực Cửa Đại) gây sạt lở nghiêm trọng bờ sông và “nuốt chửng” 4 căn nhà ở xóm Khê Tân. Trong đó, có 3 nhà dân và một trạm xăng. Sạt lở còn uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của 420 hộ dân với hơn 750 nhân khẩu.
Ông Lê Thanh Chuyền vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh 3 ngôi nhà của gia đình bị dòng lũ hung dữ đánh sập trong chốc lát. Ngôi nhà cấp 4 bị “ngoạm” hết một nửa, sóng khoét sâu vào bên trong tạo nên những hàm ếch “khủng”, chỉ cần chạm chân nhẹ đã nứt gãy, rơi ào xuống dưới dòng nước đang cuồn cuộn chảy.
Dọn đống đổ nát còn sót lại, vợ chồng ông Chuyền không giấu được nỗi sợ hãi, nấc nghẹn. Ông Chuyền kể lại, lúc đó ông và vợ đang ở trong nhà thì nghe tiếng động ầm ầm phía sau. Chạy ra thì thấy ngói tôn rơi lởm chởm, vách tường đổ sập xuống sông. Chỉ trong thời gian ngắn nước lũ đã “nuốt chửng” hết gian bếp. Hoảng quá, ông kéo vợ con chạy ra ngoài tránh nạn.
Ghi nhận tại hiện trường, dòng chảy vẫn ào ào đổ về biển, đạp rất mạnh vào bờ. Cứ cách vài phút lại sạt vài mét đất. Những móng nhà bị sóng hút hết cát, trơ ra trụ bê tông và sắt gỉ. Nhìn cảnh tượng đó, ai nấy đều không khỏi rùng mình.
Anh Võ Văn Giác, người dân trong thôn cho hay, trước đây, khu vực dân cư sinh sống không bị sạt lở. Do tàu bè tập trung về đây hút cát nhiều nên mỗi khi lũ về tạo nên dòng chảy lớn, bẻ dòng thẳng vào nhà dân. Người dân mong muốn cấp trên sớm quan tâm, đầu tư xây dựng khẩn cấp tuyến đê kè để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Anh Nguyễn Ra chỉ tay về cồn cát nhô lên giữa sông cách xóm Khê Tân tầm 500m rồi kể, khi xưa nơi đây là gò nổi. Cát dài ra tít tận ngoài kia. Thế mà, chỉ mấy năm trở lại đây, bão lũ diễn biến phức tạp quá, cồn cỏ bị bứng trôi, dòng chảy thì ngày một rộng ra, vô sát vách nhà dân, lăm le đánh sập nơi ở. Nghe nói lũ chưa có dấu hiệu rút, dân chúng tôi đứng ngồi không yên.
Ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Quảng Ngãi cho hay, nhận được thông tin, Ủy ban Nhân dân thành phố đã huy động hơn 40 người gồm cán bộ, chiến sỹ thuộc Ban chỉ huy Quân sự thành phố Quảng Ngãi, dân quân và thanh niên xung kích xã Tịnh Khê xuống địa bàn giúp dân khắc phục hậu quả, hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. Trong tối 6/11, các lực lượng chức năng túc trực tại vị trí xảy ra sạt lở để sẵn sàng cùng bà con đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, trong buổi sáng, mực nước ở sông Vệ và sông Trà Khúc đã bắt đầu giảm nhưng đến chiều tối nay, lũ trên sông Trà Khúc và thượng nguồn sông Vệ đang lên trở lại.
Dự báo đêm nay (6/11/2017) đến sáng sớm mai (7/11/2017), lũ trên các sông tiếp tục lên cao. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: Sông Trà Khúc tại trạm Trà Khúc: 7.80m, trên mức báo động 3: 1.30m. Sông Vệ tại trạm Sông Vệ: 5.70m, trên mức báo động 3: 1.20m, thấp hơn đỉnh lũ năm 1999: 0.29m. Do vậy, tại các địa phương, công tác di dời, sơ tán dân lại một lần nữa được chính quyền Quảng Ngãi thực hiện một cách khẩn trương.
Liên tục trong các ngày từ 3-6/11, tỉnh Quảng Ngãi đã khẩn trương đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 4.606 hộ dân nằm trong vùng bị ngập sâu, sạt lở núi đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Bình Sơn là 1.000 hộ; Sơn Tịnh: 71 hộ; TP.Quảng Ngãi: 20 hộ; Tư Nghĩa: 100 hộ Nghĩa Hành: 2.317 hộ; Mộ Đức: 558 hộ; Đức Phổ: 37 hộ, Ba Tơ: 20 hộ; Sơn Hà: 135 hộ; Sơn Tây: 46 hộ; Trà Bồng: 121 hộ.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hiện nay Quảng Ngãi đã có 6 người chết và mất tích, 10 người bị thương; gần 40.000 căn nhà bị ngập nước; 229 nhà bị hư hỏng và 15 nhà bị hư hỏng hoàn toàn (trên 70%).
Ngoài việc nhấn chìm nhiều tài sản, hoa màu của người dân ở đồng bằng, mưa lũ cũng đã làm các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng. Trong mấy ngày qua đã có 3 điểm sạt lở núi làm 2 người chết, 3 người bị thương tại các huyện Ba Tơ và Trà Bồng. Tại khu vực Cửa Đại (thành phố Quảng Ngãi), sóng biển đã gây ra sạt lở với chiều dài khoảng 300m và lấn sâu vào đất liền hơn 200m; trong đó, thôn Khê Tân sạt lở cách khu dân cư 50m ảnh hưởng trực tiếp đến 20 hộ/50 khẩu. Đến 11 giờ cùng ngày, sóng biển đã đánh sập đổ 4 nhà, xói lở 3 ha rừng phòng hộ và làm hư hỏng hệ thống thoát nước tuyến bờ Đông Sông Kinh - Cửa Đại.
Hiện nay, các tuyến đường giao thông huyết mạch đến các huyện đồng bằng đã bắt đầu rút. Riêng các tuyến giao thông nông thôn (chủ yếu tuyến đường xã và các tuyến đường giao thông miền núi) vẫn còn bị chia cắt cục bộ do nước vẫn còn ngập và nhiều điểm sạt lở, ách tắc.
Trong mấy ngày qua, mưa lũ đã làm sạt lở 68 điểm tại các đường Quốc lộ (24, 24B, 24C). Trong đó, Quốc lộ 24 là 21 điểm, Quốc lộ 24B: 24 điểm, Quốc lộ 24C: 23 điểm; khối lượng đất, đá sạt lở, bồi lấp 37.594m3; hư hỏng mặt đường 32 vị trí; tổng chiều dài ngập nước 2.850m. Về tuyến đường tỉnh có khoảng 84 điểm trên 11 tuyến. Tổng chiều dài bị ngập nước 13.910m. Hư hỏng mặt đường tại 32 vị trí; khối lượng đất, đá: 10.580m3. Mưa lũ cũng làm 2 cầu bản bị sập đổ, hư hỏng tại tuyến đường ĐT624./.
Vĩnh Trọng - Sĩ Thắng
Theo Vietnamplus