UBND tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Hội nghị trao giấy chứng nhận và khen thưởng sản phẩm OCOP năm 2022 và quyết định công nhận 50 sản phẩm OCOP; đó là sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp trong việc lan tỏa và nhân rộng chương trình OCOP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức Hội nghị trao giấy chứng nhận và khen thưởng sản phẩm OCOP năm 2022.
Theo đó, toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố với 56 bộ hồ sơ và sản phẩm của 28 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc các nhóm: thực phẩm, thủ công mỹ nghệ gia dụng và thảo dược.
Việc Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, đa số các sản phẩm tham gia lần này đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương trong tỉnh, được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan.
Kết quả, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đã trình UBND tỉnh quyết định công nhận 50 sản phẩm, trong đó có 37 sản phẩm mới, 13 sản phẩm nâng hạng và công nhận lại; có 23 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm đủ điều kiện để OCOP cấp quốc gia công nhận 5 sao.
Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 58 chủ thể OCOP, trong đó có 16 hợp tác xã, 16 doanh nghiệp, 4 tổ hợp tác và 22 hộ sản xuất kinh doanh với 115 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao, có 42 sản phẩm 4 sao và 73 sản phẩm 3 sao.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Sỹ Đồng- Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt của cả hệ thống chính trị các cấp trong việc lan tỏa và nhân rộng chương trình OCOP.
Ông cũng đề nghị các ngành chức năng, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá chương trình sâu rộng hơn nhằm huy động sự vào cuộc thực sự của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị đồng hành với người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung phát triển sản phẩm đặc sản, đặc trưng riêng có của từng vùng miền.
Cùng với đó là khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể OCOP phát triển các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng công nghệ sơ chế, chế biến quy mô nhỏ và vừa; bổ sung kiến thức cho các chủ thể OCOP về phát triển kinh tế xanh; từ đó góp phần từng bước thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP xanh đây là bước phát triển bền vững.
Theo vị Phó Chủ tịch, việc phát triển OCOP phải phát triển đồng bộ gắn liền với những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại cũng như các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn liền các sản phẩm OCOP với phát triển du lịch,…
Bên cạnh đó, Quảng Trị sẽ củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp; phấn đấu có 4 – 6 HTX nông nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; tư vấn, hướng dẫn phát triển sản phẩm, xây dựng hồ sơ sản phẩm cho 100% chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP; đưa 100% sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử; tổ chức tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm, giới thiệu sản phẩm OCOP trong tỉnh…
Diễm Phước
Theo KT&ĐU