UBND tỉnh Quảng Trị đang yêu cầu các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, các yêu cầu pháp lý để thực hiện dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam do Công ty TNHH Nam Tiến làm chủ đầu tư.
Theo đó, chiều 27/5, UBND tỉnh Quảng Trị mở cuộc họp do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng chủ trì với các sở, ngành, đơn vị liên quan về tình hình thực hiện dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và dự án Xây dựng Quốc lộ 15D, đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.
Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam do Công ty TNHH Nam Tiến làm chủ đầu tư. Được thực hiện tại xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị với tổng vốn đầu tư trên 1.489 tỉ đồng. Diện tích đất dự kiến sử dụng 23,82 ha, chiều dài tuyến băng dự kiến 6.115 m. Công suất thiết kế 30 triệu tấn/năm (được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn có công suất 15 triệu tấn/năm). Dự án hoạt động trong thời gian 30 năm.
Hiện nay, dự án cơ bản đáp ứng các điều kiện để được xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam, đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam có vai trò quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị. Nếu được triển khai thực hiện, dự án sẽ góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng của địa phương.
Chính vì thế tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét dự án phải phù hợp với quy hoạch, cũng như hoàn thiện các văn bản để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để thống nhất đoạn tuyến đi qua khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay. Các sở, ngành liên quan cần tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các văn bản, thủ tục pháp lý cần thiết để có cơ sở triển khai thực hiện dự án.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ giúp cho việc vận chuyện than đá từ Lào về Việt Nam được dễ dàng hơn, cũng như công suất lớn hơn; đồng thời, hạn chế được ùn tắc gây mất an ninh, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường trong quá trình vận chuyển.
Diễm Phước
Theo KT&ĐU