Để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế mà hành lang kinh tế Đông Tây mang lại, tỉnh Quảng Trị và các tỉnh miền Trung cần có hướng đi cởi mở, thông thoáng hơn để kêu gọi đầu tư, hoàn thiên cơ sở hạ tầng…
Tiềm năng phát triển kinh tế
Sự ra đời của hành lang kinh tế Đông -Tây tạo điều kiện cho các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mêkông gồm: Lào, Thái Lan, Myanmar và Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hành khách trong khu vực hành lang và tạo điều kiện cho việc lưu thông được thuận lợi và hiệu quả, góp phần giảm nghèo, hỗ trợ phát triển khu vực dọc biên giới và các vùng nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ thu nhập thấp, cung cấp việc làm cho phụ nữ và phát triển du lịch. Thêm vào đó, hành lang kinh tế Đông Tây cũng sẽ góp phần hỗ trợ phát triển công-nông nghiệp và du lịch của các nước.
Theo nghị quyết của Bộ chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng. Đây được xem một luồng gió mới, tạo điều kiện cho các tỉnh miền Trung có điều kiện để phát triển KT-XH.
Cụ thể, nghị quyết đã định hướng cho phát triển không gian KT-XH, đặc biệt là liên kết vùng và cơ chế chính sách điều phối vùng để thực hiện liên kết nội vùng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn lực hợp lý, hài hòa, bền vững giữa kinh tế, xã hội, môi trường.
Tỉnh Quảng Trị được coi là điểm đầu cầu về phía Việt Nam trên tuyến EWEC, là giao điểm huyết mạch về đường bộ, đường sắt, đường thủy, thuận lợi cho giao lưu hai miền Bắc - Nam, có tuyến đường xuyên Á gần và thuận lợi nhất để tỉnh có điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - Võ Văn Hưng cho hay, tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây cũng được Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) quan tâm đầu tư và đánh giá là một lợi thế nổi trội để các tỉnh trong khu vực mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và các nước trong khu vực; đặc biệt là các tỉnh miền Trung nằm trên tuyến EWEC.
Nhận thức được tiềm năng, lợi thế mà EWEC mang lại, trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị cũng như các tỉnh miền Trung đã tích cực kêu gọi đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế mà EWEC mang lại. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng trên tuyến hành lang đang từng bước đầu tư hoàn thiện hoặc quy hoạch để thực hiện đầu tư trong thời gian tới như: Sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay Phú Bài (Huế), sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Cảng hàng không Quảng Trị (đang chuẩn bị đầu tư); hệ thống cảng biển: Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Cửa Việt, Mỹ Thủy (Quảng Trị), Tiên Sa (Đà Nẵng)…
Bên cạnh đó, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế cũng được hình thành như: Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế Vũng Áng, Phú Bài,… việc giao lưu hàng hóa qua các cửa khẩu cũng được đẩy mạnh.
Ngoài ra, các công trình hạ tầng nòng cốt cho hành lang đã và đang sắp được hoàn thiện. Kế hoạch thành lập vùng công nghiệp và các khu công nghiệp đặc biệt ở các khu vực biên giới và cửa ngõ giao thông để tăng cường đầu tư tư nhân vào sản xuất, thương mại và nông nghiệp cho hành lang đã được đưa ra. Các nguồn du lịch đa dạng ở hành lang, tập trung ở Việt Nam và Myanmar đang được phát huy và có thể sử dụng sự liên kết từ hành lang để tạo điều kiện cho việc phát triển các tour du lịch xuyên quốc gia.
Chiến lược phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị
Quảng Trị được nhận định là tỉnh có vị trí chiến lược, lợi thế về địa lý- kinh tế, là đầu mối giao thông; nằm ở trung điểm đất nước trên các trục giao thông huyết mạch đường bộ, đường sắt và đường biển của quốc gia. Là điểm đầu trên tuyến đường chính của EWEC nối với Lào-Thái Lan-Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển miền trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Ngoài việc ban hành nhiều nghị quyết, chính sách phát triển KT-XH gắn với EWEC, tỉnh Quảng Trị đã triển khai công tác quy hoạch hệ thống giao thông đa dạng về hình thức.
Tỉnh Quảng Trị đang triển khai xây dựng đề án “Hợp tác triển khai hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan)”. Việc hình thành thêm tuyến hành lang này giúp kết nối ngắn nhất từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương đi qua các quốc gia Myanmar, Đông Bắc Thái Lan, Lào, Việt Nam và ra cảng nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị).
Hạ tầng logistics cũng được quan tâm đầu tư với cảng Cửa Việt có năng lực thông quan 1,14 triệu tấn/năm; tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua địa bàn tỉnh dài 76 km; 2 dự án logistics với tổng diện tích 27 ha đang triển khai xây dựng; hạ tầng khu vực Cửa khẩu quốc tế La Lay đang được đầu tư xây dựng…
Diễm Phước
Theo KTDU