Chiều nay, 29/5, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã được thảo luận tại nghị trường. Một trong những điểm đáng lưu ý của lần sửa đổi này là việc giữ hay bỏ quy định về đô thị du lịch.
Theo báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, nhiều đại biểu cho rằng không nên quy định về nội dung đô thị du lịch vì Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 không quy định về loại hình đô thị du lịch.
Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra hai phương án :
Phương án 1: Không quy định về nội dung đô thị du lịch vì: Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 không quy định về loại hình đô thị du lịch. Việc quy định đô thị du lịch như một danh hiệu mà không kèm theo cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ thì không nên quy định trong văn bản luật. Hơn nữa, dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV cũng không quy định về đô thị du lịch.
Phương án 2: Quy định về đô thị du lịch theo hướng xây dựng cụ thể các điều kiện công nhận, hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền công nhận đô thị du lịch tại Điều 29, Điều 30 dự thảo Luật.
Việc giữ hay bỏ quy định về đô thị du lịch đang gây nhiều tranh cãi. Ảnh: Tuyengiao.
Tại cuộc họp chiều nay (29/5), ý kiến về 2 phương án đã được các đại biểu thảo luận.
Ủng hộ phương án 1, đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu: "Luật du lịch năm 2005 đã quy định về đô thị du lịch, nhưng hơn 10 qua cả nước mới có 1 địa phương được công nhận là đô thị du lịch và hiệu quả của danh hiệu này đối với địa phương cũng còn hạn chế do không có chính sách hỗ trợ khác hơn so với các địa phương khác".
Ngoài ra, đại biểu Phạm Đình Cúc cũng cho rằng nhu cầu có danh hiệu đô thị du lịch phụ thuộc rất nhiều vào định hướng phát triển kinh tế của địa phương, của từng giai đoạn, từng thời kỳ.
Cùng quan điểm với đại biểu Phạm Đình Cúc, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, luật không cần thiết quy định điều này mà nên giao cho Hiệp hội du lịch. Nếu cần thiết phải quy định đô thị du lịch, thì một câu hỏi đặt ra: Quy định nhằm mục đích gì?
Tương tự, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho rằng, không nên quy định đô thị du lịch vì điều này chỉ mang tính hình thức, bên cạnh đó, trong quy hoạch đô thị cũng không đề cập đến vấn đề này.
Ngược lại, theo chiều ủng hộ phương án 2, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), cho rằng việc quy định đô thị du lịch là đáp ứng nhu cầu từ thực tiễn để chủ động trong quản lý và phát triển và trong điều giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung thêm khái niệm về đô thị du lịch bên cạnh khái niệm điểm du lịch và khu du lịch.
Đồng quan điểm giữ lại tiêu chuẩn đô thị du lịch, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cho rằng các địa phương đã có sự đầu tư, có điều kiện hình thành đô thị du lịch, đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, bà Lan cũng nhấn mạnh, cần đưa ra tiêu chí cụ thể, và nên điều chỉnh tiêu chí, tăng tỉ trọng tổng sản phẩm từ du lịch lên 70% thay vì 30% như dự thảo.
Tô Đức
Theo Kinh tế & Tiêu dùng