Ngày 21/1, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Ninh Thuận đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Phong cảnh vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)
Theo Quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020, du lịch Ninh Thuận trở thành trọng điểm quốc gia và khu vực tương xứng với tiềm năng sẵn có, đảm bảo môi trường và an ninh trật tự.
Mục tiêu cụ thể của tỉnh Ninh Thuận là sẽ hình thành một số khu du lịch có tầm quốc gia và khu vực.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2015, trở thành trọng điểm quốc gia thuộc "tam giác du lịch" Nha Trang-Đà Lạt-Phan Rang, đón 1,4 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 200.000 lượt khách, tổng doanh thu đạt 55 triệu USD (tương đương 1.160 tỉ đồng), chiếm tỉ trọng 8% tổng GDP của tỉnh; nhu cầu lưu trú du lịch là 7.600 phòng, tạo việc làm cho khoảng 34.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp 10.300 người.
Đến năm 2020, tỉnh đón 3 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế đạt 586.000 lượt, tổng doanh thu đạt 335 triệu USD (tương đương 7.025 tỉ đồng), chiếm tỉ trọng 12% tổng GDP của tỉnh; nhu cầu lưu trú du lịch là 18.350 phòng, tạo việc làm cho khoảng 44.000 lao động, trong đó lao động trực tiếp 18.400 người.
Ninh Thuận tập trung thu hút khách du lịch quốc tế ở thị trường truyền thống của Việt Nam, bao gồm thị trường Nga; châu Âu, chú trọng Pháp, Đức và Anh; Mỹ; thị trường ASEAN; Trung Quốc; thị trường Đông Bắc Á, chú trọng phát triển lượng du khách đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; đồng thời phát triển mạnh thị trường nội địa, tăng cường liên kết giữa Ninh Thuận với các vùng miền, địa phương trong cả nước.
Tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; đào tạo, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư phát triển nguồn nhân lực; phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch mạo hiểm, du lịch dịch vụ cao cấp, du lịch mua sắm theo từng không gian các trung tâm du lịch dịch vụ, các tuyến du lịch liên vùng nội tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ như: du lịch gắn với sự kiện, làng nghề, ẩm thực...
Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030 khoảng 83.484 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2013-2015 khoảng 2.324 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 khoảng 16.422 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2030 khoảng 64.738 tỷ đồng.
Cơ cấu vốn đầu tư phân theo vốn ngân sách Nhà nước chiếm khoảng 20%, vốn tích lũy từ giá trị tăng thêm du lịch và các doanh nghiệp du lịch chiếm khoảng 15%, vốn tư nhân chiếm 45%; vốn FDI khoảng 20%.
Quy hoạch cũng đề ra các nhóm giải pháp phát triển về đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến đầu tư du lịch; quản lý nhà nước về du lịch; giải pháp về nguồn nhân lực; vốn đầu tư cho du lịch; thực hiện liên kết phát triển du lịch với Thành phố Hồ Chí Minh và các tiểu vùng Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên; tổ chức quản lý; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.
Đức Ánh
theo TTXVN