Gần đây xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh hiệu quả hoạt động của CTCP Tập đoàn Trung Nguyên trong thời gian biến động quyền điều hành. Trung Nguyên có đang làm ăn thực sự tốt? Các khoản chi phí nhân công, mua ngoài vì sao tăng vọt và đặc biệt động lực nào khiến cho công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chi hàng trăm tỷ đồng mua sắm xe cộ, vượt cả khoản chi mua máy móc trang thiết bị?
Lợi nhuận giảm, nhưng liệu Tập đoàn Trung Nguyên có đang đánh mất mình nếu chỉ nhìn trên góc độ kinh doanh?
|
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ với thần thái đĩnh đạc trong buổi gặp mặt các nhà báo ngày 13/8 |
Doanh thu cà phê và biên lãi gộp của Trung Nguyên áp đảo đối thủ VinaCafe Biên Hòa
CTCP Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên khá nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch, bất động sản. Xét riêng về mảng kinh doanh cà phê của Trung Nguyên có nhiều điểm để so sánh với doanh nghiệp thuộc top 3 công ty sản xuất cà phê lớn nhất Việt Nam là CTCP VinaCafe Biên Hòa (Mã: VCF) với hoạt động chính là sản xuất cà phê, ngũ cốc ăn liền và thức uống không cồn.
Tính đến cuối 2017, tổng tài sản của Trung Nguyên là 5.696 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều so với con số 2.583 của VinaCafe Biên Hòa.
Giai đoạn 2014- 2017, tổng doanh thu bán hàng VinaCafe hoạt động khá ổn định, khi đạt 3.048 tỷ đồng năm 2014 và tăng lên 3.341 tỷ đồng vào 2017.
Tuy nhiên trong mảng kinh doanh cà phê, VinaCafe lại giảm sút rõ rệt. Doanh thu năm 2014 đạt 2.252 tỷ đồng, giảm chỉ còn 1.711 tỷ đồng vào 2017, tức giảm 24%. Biên lãi gộp mảng cà phê từ gần 35% giảm còn 30%, thấp hơn nhiều so với khoảng 38 - 41% của Trung Nguyên cùng giai đoạn.
|
Doanh thu cà phê của Trung Nguyên và VinaCafe. Tổng hợp báo cáo tài chính giai đoạn 2014 - 2017 của Trung Nguyên - VinaCafe |
Tỷ trọng đóng góp của cà phê trên tổng doanh thu giảm mạnh, nếu như doanh thu từ mảng này năm 2014 chiếm tới 76% thì đến 2017 chỉ còn 53%. Đó là bởi ngoài cà phê, VinCafe Biên Hòa còn có nguồn thu đến từ các mảng khác là ngũ cốc và thức uống không cồn.
VinCafe Biên Hòa mở rộng sang mảng biên lợi nhuận cao hơn
Mảng thức uống không cồn tăng trưởng ngày càng mạnh mẽ; đến 2017 đạt 1.225 tỷ đồng, tăng gấp 4,4 lần kể từ năm 2014. Biên lãi gộp mảng này của VinaCafe ở mức 45,5%, gấp rưỡi so với cà phê.
|
Tổng hợp báo cáo tài chính giai đoạn 2014 - 2017 của VinaCafe |
Bức tranh tài chính cho thấy VinaCafe Biên Hòa - đối thủ lớn thứ hai của Trung Nguyên sau Nestle Việt Nam đang chuyển dần cơ cấu doanh thu sang đồ uống không cồn (cụ thể là nước tăng lực vị cà phê Wake-up 247) với biên lợi nhuận cao hơn, giảm tỷ trọng và doanh thu của mảng cà phê.
Tuy nhiên từ giai đoạn nửa sau 2018, VinaCafe Biên Hòa đang có xu hướng kéo hoạt động kinh doanh chính trở lại, khi bị tụt khá sâu so với đỉnh năm 2014. Kế hoạch doanh thu mảng cà phê trong năm nay dự kiến tăng 15%, Công ty cũng sẽ tung các sản phẩm vốn không mấy thành công trước đó như Café Phil 2 trong 1 và Café DeNam…
So sánh các chỉ tiêu khác giữa công ty mẹ Trung Nguyên và VinaCafe cho thấy, tỷ lệ chiết khấu hàng bán của VinaCafe không cao như Công ty của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Cụ thể, tỷ lệ chiết khấu của VinaCafe chỉ khoảng 2,1% và ngày càng có xu hướng giảm, còn tại Trung Nguyên tỷ lệ chiết khấu năm 2017 lên tới 11,23%.
Hoạt động quảng cáo Trung Nguyên - VinaCafe Biên Hòa ai hơn ai?
Khoản mục chi phí mua ngoài của VinaCafe lại ở mức rất cao, năm 2017 là trên 890 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2014 và chiếm tỷ lệ 31% tổng các loại chi phí. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Trung Nguyên với 20%.
Về chi cho hoạt động đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, VinaCafe Biên Hòa nhỉnh hơn khi tổng nguyên giá cuối năm 2017 là gần 777 tỷ đồng (chiếm 79% tổng tài sản cổ định hữu hình); Trung Nguyên là 607 tỷ đồng (chiếm trên 43%).
Tuy vậy nếu so về chi phí cho lao động, VinaCafe thua kém nhiều. Thứ nhất, số lao động tại VinaCafe giảm qua từng năm, cuối 2017 còn 386 người, tương đương 1/3 so với Trung Nguyên. Thứ hai, mức lương bình quân cũng không cao bằng, lương trung bình của VinaCafe cuối năm 2017 là 18,4 triệu đồng/người/tháng thấp hơn so với 21,3 triệu đồng/người/tháng của Trung Nguyên.
Và đương nhiên, chi phí mua phương tiện vận chuyển của VinaCafe sẽ không là gì nếu như đặt cạnh con số hàng trăm tỷ đồng phía Trung Nguyên, vốn phần lớn đổ vào dàn siêu xe.
Trong buổi chia sẻ với báo giới hôm 13/8, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa thông tin nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của khoản đầu tư tưởng chừng như lãng phí và khó hiểu này.
Ông cho biết, một doanh nghiệp doanh thu từ 5.000 – 6.000 tỷ đồng, nếu bỏ ra 10% để làm marketing thì cũng vào khoảng 500 – 600 tỷ đồng, phân bổ làm quảng cáo, xây dựng thương hiệu thì mỗi năm cũng vài trăm tỷ đồng. Chi bằng đi mua xe, đi dạy người ta làm giàu mà không giàu nói ai nghe, phải thể hiện ra ngoài.
Xe cộ là tài sản còn đó với doanh nghiệp, siêu xe thu hút báo chí, truyền thông và công chúng đến với hành trình tặng sách, ông Vũ cho biết.
Trong khi đó VinaCafe, năm 2017 chi phí công ty này dành cho cho hoạt động quảng cáo, khuyến mãi lên tới 528 tỷ đồng.
Ghi nhận giai đoạn 2014 - 2017, dù đạt lợi nhuận cao hơn đối thủ nhưng lợi nhuậnTrung Nguyên có xu hướng giảm dần, trong khi VinaCafe Biên Hòa tương đối ổn định
|
*Năm 2014, lợi nhuận Trung Nguyên cao đột biến do nhận hơn 460 tỷ đồng từ cổ tức công ty liên quan. |
Bạch Mộc
Theo KTTD, Vietnambiz