Thí điểm mô hình tập đoàn đối với 2 tập đoàn của ngành xây dựng đã chính thức dừng lại. Tuy nhiên, sau câu chuyện này đã để lại nhiều bài học cho quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tiếp theo.
Thí điểm mô hình tập đoàn đối với 2 tập đoàn của ngành xây dựng đã chính thức dừng lại. Tuy nhiên, sau câu chuyện này đã để lại nhiều bài học cho quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tiếp theo.
Thất bại thương hiệu
Hai tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam và Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam đều được hình thành dựa trên cơ sở tập hợp, “tổ chức lại” các tổng công ty lớn của ngành xây dựng.
Theo quy luật thông thường và tổng kết thực tế, chúng ta thấy rằng, tập đoàn nào được hình thành trên cơ sở sự phát triển vươn lên lớn mạnh của một tổng công ty lớn thì hoạt động tốt. Trong khi đó, việc thí điểm hình thành 2 tập đoàn xây dựng dựa trên cơ sở lắp ghép cơ học các đơn vị, khi thực tiễn chưa đặt ra yêu cầu, đòi hỏi một mô hình tổ chức như vậy. Do đó, việc thí điểm thành lập tập đoàn không những chưa tạo điều kiện cho Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị phát triển, thậm chí còn ngược lại.
Sự ngược lại đó được thấy rõ nhất trong tên tuổi và thương hiệu của hai tập đoàn nay. Thông thường, tập đoàn mẹ sẽ hỗ trợ các DN thành viên thông qua nhiều con đường như tài chính, nhân lực và đặc biệt là uy tín và thương hiệu. Tuy nhiên, có một thực tế là dù đã thành lập tập đoàn mới nhưng các tập đoàn này lại không có tên tuổi và thương hiệu nổi bằng các DN thành viên khi đứng riêng lẻ trước đó. Thậm chí những cái tên thường gọi như: Tập đoàn Sông Đà hay HUD cũng là của các DN con đã rất nổi trước đó.
Việc sử dụng các quyết định hành chính để tổ chức lại doanh nghiệp hay xây dựng mô hình tổ chức kinh tế mới là việc làm đã bị nhiều chuyên gia lên tiếng. Nó làm đảo ngược quá trình phát triển thông thường của một doanh nghiệp.
Cái đáng quan tâm hơn là sự không thành công của việc thí điểm này là sự “nhốt chung” nhiều con hổ vào một chuồng. Trước khi vào VNIC, các cái tên Sông Đà, Lilama, COMA là các thương hiệu rất lớn trên thị trường. Họ có những mục tiêu, định hướng phát triển không hẳn giống nhau.
Các tập đoàn kinh tế sau một thời gian thí điểm đã tạo được nhiều ấn tượng tốt. Những thương hiệu mạnh đã được khẳng định như Viettel, VNPT, … Tuy nhiên, có những tập đoàn lại “thảm bại” trong việc xây dựng thương hiệu. Điển hình trong đó là Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC). Cái tên này nghe rất xa lạ và công cuộc tìm kiếm logo của nó trên mạng cũng mong manh vô cùng và kết quả hạn chế, nếu không muốn nói là không tìm được kết quả.
Cái thương hiệu Sông Đà của Tập đoàn Sông Đà – Công ty mẹ trong VNIC - đã người quá quen thuộc và lấn át hẳn chữ VNIC. Và những cái tên của Lilama, COMA cũng có vẻ trội hơn cả VNIC.
Rắc rối quan hệ, tốn kém chi phí
Khi xây dựng các tập đoàn kinh tế, một trong các yếu tố khiến bản thân các thành viên của tập đoàn kêu ca nhất là quan hệ hành chính giữa các đơn vị. Không ít DN là thành viên trong các tập đoàn đã thẳng thắn thừa nhận, tập đoàn chưa mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp. Đã không lợi lộc gì mà “chi phí hành chính còn tăng lên, báo cáo, thủ tục hành chính nhiều hơn, công ty con cháu vẫn phải tự bươn chải như trước…”.
Để hiểu rõ hơn, ta có thể nhìn một ví dụ có thật tại một tập đoàn kinh tế nhà nước. Tập đoàn A có cổ phần chi phối tại Công ty Cổ phần B và công ty Cổ phần B này lại thành lập các Công ty TNHH MTV C, D, E trực thuộc.
Phòng kinh doanh của Công ty TNHH MTV C tìm được một dự án và làm hồ sơ xin tham gia thầu. Tuy nhiên, khi giá trị gói thầu vượt quá phân quyền của công ty thì lại buộc phải dùng pháp nhân của Công ty Cổ phần B. Và trong bộ hồ sơ thầu sẽ phải có chữ ký nháy của chuyên viên kinh doanh làm hồ sơ thầu, trưởng phòng Kinh doanh, Kế toán trưởng, Giám đốc của Công ty TNHH MTV C, rồi sau đó trình lên Công ty CP B và ở đây phải có chữ ký nháy của Trưởng phòng Tổng hợp, Kế toán trưởng trước khi trình vào TGĐ Công ty CP B ký chính. Như vậy, tổng cộng phải đến 7 cái chữ ký trên một bộ hồ sơ thầu, trong đó 6 chữ ký nháy mới có 1 chữ ký chính.
Mà việc xin chữ ký của từng này con người không hề dễ vì vẫn phải qua một quá trình xem xét, thẩm định thậm chí họp hành để ra quyết định chung.
Đây mới là một ví dụ về hồ sơ tham gia thầu. Các vấn đề khác thì không biết là sẽ cần bao nhiêu chữ ký nháy để có được 1 chữ ký chính? Chỉ cần qua mỗi một khâu cần một bản lưu thôi thì lượng photo nhân bản lên đã không biết là bao nhiêu. Hẳn vậy, mà các chi phí hành chính, điều hành nó mới tăng lên.
Trong suốt 7 năm thực hiện thí điểm thành lập, tổng cộng 13 tập đoàn đã ra đời và hiện tại 2 tập đoàn đã “ra đi” trở về như cũ. Và những câu chuyện thương hiệu, quản lý như trên hẳn sẽ là bài học cần thiết cho quá trình xây dựng phát triển các tập đoàn nói riêng cũng như tái cơ cấu DN nói riêng.
Trần Anh Tuấn
Theo Vietnamnet