Sự kiện hot
4 năm trước

Ra mắt Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 - Người dân cùng đồng lòng chống dịch

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ Đảng, Nhà nước ta xác định tiêm vắc xin là giải pháp quyết định, có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài để đạt miễn dịch cộng đồng, thoát khỏi đại dịch Covid -19. Do đó, từ rất sớm, Chính phủ đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn, cơ chế, sử dụng tổng hợp các nguồn lực để làm sao sớm có được vắc xin tiêm miễn phí cho người dân.

Tối 5/6, lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cùng tham dự buổi lễ gồm có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Minh Khái, Bí Thư trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện các cá nhân, doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả Quỹ Vaccine Covid-19

Tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ: “Hôm nay, tôi rất xúc động có mặt ở đây, tại Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình, để thực hiện nghi lễ quan trọng, đó là ra mắt “Quỹ vaccine phòng chống COVID-19”.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ Đảng, Nhà nước ta xác định tiêm vắc xin là giải pháp quyết định, có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài để đạt miễn dịch cộng đồng, thoát khỏi đại dịch Covid -19. Do đó, từ rất sớm, Chính phủ đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn, cơ chế, sử dụng tổng hợp các nguồn lực để làm sao sớm có được vắc xin tiêm miễn phí cho người dân. Tuy nhiên, do nguồn cung toàn cầu còn hạn chế, lại phải ưu tiên cho các quốc gia mà dịch đang diễn biến phức tạp hơn, trong khi Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong phòng chống dịch, nên thứ tự ưu tiên phải đứng sau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định trong phương pháp chống dịch, chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh VGP

Theo Thủ tướng: “Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp”.

Về chống dịch, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xử lý đại dịch hiệu quả nhất với tỷ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất.

Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trên thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Điều đó thể hiện hiệu quả lời hiệu triệu “Chống dịch như chống giặc” của Đảng, Nhà nước và toàn thể Nhân dân với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, bản lĩnh, kịp thời, sát thực tiễn và sự đồng lòng, đoàn kết của cả dân tộc ta.

Dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, với chủng mới từ Ấn Độ và Vương quốc Anh, có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để thực hiện được “mục tiêu kép” vừa chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

“Trong phương pháp chống dịch, chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm mà có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta chỉ thực hiện phong tỏa những vùng bị dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao và vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch. Để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Đảng và Nhà nước thực hiện mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng và việc này cần duy trì hàng năm. Tiêm vaccine là giải pháp căn cơ, lâu dài, mang tính quyết định và có tính chiến lược để thoát khỏi đại dịch COVID-19”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ.

Quỹ là nguồn lực quý giá để chống dịch

Hiện nay, Nhà nước ta đã nỗ lực gỡ bỏ mọi khó khăn vướng mắc về cơ chế, sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực để chúng ta có vaccine sớm nhất, nhiều nhất có thể, tiêm miễn phí cho toàn dân. Nhân dân chia sẻ, dù chúng ta rất nỗ lực nhưng nguồn vaccine trên thế giới cũng hạn chế và họ sẽ ưu tiên cho những quốc gia có tình hình dịch bệnh phức tạp, lây lan nhanh hơn chúng ta.

Thủ tướng chia sẻ: “Việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 là một chủ trương của Đảng, Nhà nước thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị để huy động nguồn lực xã hội thực hiện công tác phòng chống dịch. Cuộc chiến với COVID-19 bằng vaccine chúng ta sẽ phải đi đường dài, phải tiêm cho nhân dân hàng năm.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ hiểu và trân trọng mọi đóng góp của người dân, doanh nghiệp không kể ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim, từ trách nhiệm với cộng đồng, từ sự chia sẻ với Nhà nước nên đảm bảo quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắn tin ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Chính phủ thông qua cổng 1400. Ảnh VGP

Bên cạnh đó, thủ tướng cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với những cá nhân, tập thể đã ủng hộ cho Quỹ vaccine 19: “Chúng ta rất cảm động khi được biết những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân tiết kiệm ngày lương để ủng hộ Quỹ, kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao.

Hàng trăm doanh nghiệp mặc dù phải đối mặt với khó khăn do tác động dịch bệnh nhưng rất tích cực đóng góp cho Quỹ. Nhiều doanh nghiệp cũng nói rằng muốn được thể hiện tấm lòng với Nhân dân, với Nhà nước, đóng góp cho Quỹ để lo cho nhân dân, còn việc tiêm cho nhân viên của mình sẵn sàng trả phí để đơn giản là có nhiều tiền hơn để Nhà nước lo cho Nhân dân.

Chúng ta tin rằng nhân dân đã hiểu được sự cố gắng của Đảng, Nhà nước của cả hệ thống chính trị bằng trí tuệ, bằng ý chí, sự kiên cường, sự quyết liệt và sự đồng cam cộng khổ, đồng lòng của nhân dân để chúng ta đã đi qua đại dịch hơn 1 năm qua một cách kiên cường, bền bỉ và có hiệu quả vẽ nên mảng màu xanh an toàn trên bản đồ thế giới nhuốm màu đỏ, màu vàng, sự sợ hãi lây nhiễm và tang tóc của đại dịch đã gây ra trên thế giới”.

Thủ tướng Chính Phủ cũng yêu cầu các cơ quan quản lý quỹ phải một mặt tạo mọi điều kiện thuận lợi để người dân đóng góp được dễ dàng; mặt khác là việc quản lý quỹ phải công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng pháp luật và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (đơn vị được giao quản lý quỹ) chia sẻ, tính đến tối qua (trước khi ra mắt), quỹ đã thu được 1.036 tỉ đồng, và con số mà các cá nhân, đơn vị cam kết là 6.600 tỉ đồng khác. “Quỹ là nguồn lực quý báu quan trọng để chống lại đại dịch. Dù là 1 đồng cũng là trách nhiệm, là kết tinh của tình yêu thương, yêu nước. Cho nên chúng tôi sẽ quản lý đúng đắn, minh bạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Khi Bộ Y tế yêu cầu và được Thủ tướng chấp thuận, chúng tôi sẽ kịp thời xuất quỹ”, ông Phớc nói.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cam kết công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vaccine phòng chống COVID-19 . Ảnh VGP  

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian tới,nguồn cung vắc xin sẽ dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động 10.000 cơ sở y tế để khẩn trương thực hiện tiêm chủng, “không bỏ phí bất kỳ 1 liều vaccine, 1 đồng đóng góp”. “Sự đóng góp cho quỹ vắc xin thể hiện truyền thống nhân ái của dân tộc. Nhân dân đã tin tưởng trao cho chúng ta, thì việc sử dụng hiệu quả là trách nhiệm, là lương tâm của chúng ta”, ông Long bày tỏ.

Để có thể tiếp cận được nguồn vaccine trong bối cảnh khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, cố gắng đưa vaccine về Việt Nam. Hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được Bộ Y tế bền bỉ thực hiện suốt từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam có được 130 triệu liều vaccine trong năm 2021. Bộ Y tế hiện vẫn đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tất cả các vaccine được Bộ Y tế cấp phép sử dụng và đưa về Việt Nam đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Ngành Y tế đã triển khai chiến dịch tiêm chủng với quy mô lớn nhất trong lịch sử của ngành, trong đó ưu tiên về an toàn tiêm chủng được lên hàng đầu; đây cũng là điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia khác. Đến nay hơn 1,3 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

Trong những ngày tới, khi nguồn cung vaccine dồi dào hơn, ngành y tế sẽ huy động tổng lực với hơn 12.000 cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vaccine nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam”.

Để có thể ngăn chặn dịch bệnh một cách lâu dài, bền vững thì chúng ta phải miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 và vaccine chính là "tấm khiên mạnh mẽ nhất" chống lại virus SARS-CoV-2 với những biến thể ngày càng khó lường.

Một số đơn vị ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 tại lễ ra mắt

* Khối cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể:

Văn phòng Chính phủ: 500 triệu đồng

TAND tối cao: 550 triệu đồng

Ủy ban Dân tộc: 150 triệu đồng

Bộ Tài chính: 5 tỉ đồng

Ngân hàng Nhà nước: 5 tỉ đồng

Bộ Công an: 3 tỉ đồng

TP.Hà Nội: 100 tỉ đồng

Tỉnh Quảng Ninh: 100 tỉ đồng

Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: 1.016 tỉ đồng

Quỹ Xã hội từ thiện tấm lòng vàng (Tổng liên đoàn Lao động VN): 150 tỉ đồng

* Khối doanh nghiệp lớn:

Công ty Golf Long Thành: 500 tỉ đồng

Tập đoàn Vingroup - Công ty CP Vinhomes: 480 tỉ đồng

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel): 450 tỉ đồng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: 400 tỉ đồng

Tập đoàn Điện lực Việt Nam: 400 tỉ đồng

Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam: 400 tỉ đồng

Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước: 200 tỉ đồng

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: 200 tỉ đồng

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: 200 tỉ đồng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam: 200 tỉ đồng

Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam: 200 tỉ đồng

Tổng công ty Viễn thông MobiFone: 200 tỉ đồng

Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh: 170 tỉ đồng

Tập đoàn T&T Group: 120 tỉ đồng

Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam: 100 tỉ đồng

Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland Group): 100 tỉ đồng

Tập đoàn SOVICO và Ngân hàng HD Bank: 100 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank): 60 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank): 60 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV): 60 tỉ đồng

Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank): 60 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank): 60 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Quân đội: 60 tỉ đồng

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank): 60 tỉ đồng

Công ty CP Tập đoàn Masan: 60 tỉ đồng

Tập đoàn Hưng Thịnh: 420.000 liều vắc xin

Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát: 50 tỉ đồng

Công ty CP chăn nuôi C.P VN: 50 tỉ đồng

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam: 50 tỉ đồng

Công ty CP địa ốc Hải Đăng (HDMon Holdings): 50 tỉ đồng.

Huy Đức 
Theo KTDU 

Từ khóa: