Chiều 17-9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức ra mắt ba tập thơ “Giấc mơ sông Thương”, “Chiều” và “Chân quê” của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành và trưng bày những phụ bản sơn dầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh năm 1964 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 5 Trường Đại học Viết văn Nguyễn Du (1993-1997). Con đường sáng tác văn xuôi của ông dường như khá thành công với tiểu thuyết “Cõi nhân gian” (năm 1994) và tập “Táo vàng tục lụy" (năm 1996). Có thể nói, tại thời điểm này con đường văn chương của Nguyễn Phúc Lộc Thành đang bắt đầu đơm hoa kết trái và dần được xã hội ghi nhận. Thế nhưng, sau khi ra trường, ông lại hướng sang ngã rẽ mới là kinh doanh, thành lập ra hãng taxi tải Thành Hưng và trưởng thành như một doanh nhân thành đạt.
Vắng bóng trên văn đàn hơn 20 năm, nhưng 3 tập thơ mới ra mắt là “Giấc mơ sông Thương”, “Chiều” và “Chân quê” đánh dấu sự trở lại của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành trên văn đàn Việt Nam với những dòng lục bát vừa lạ vừa quen, mượt mà mà vẫn đầy trắc ẩn. May mắn đồng điệu và cũng hữu duyên, 3 tập thơ của ông được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dành thời gian khám tài để tạo nên gần 20 bức phụ bản sơn dầu cùng in trong bìa và ruột sách của tuyển tập “Giấc mơ sông Thương”.
Tại buổi lễ ra mắt 3 tập thơ mới, đông đảo các văn nghệ sĩ, bạn bè, đồng nghiệp, người thân của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đã đến dự và chung vui với tác giả bằng những bó hoa tươi thắm và những tình cảm trân quí. Tham dự buổi lễ có các vị khách quý như: nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Ninh Hồ - Chủ tịch Hội đồng thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), ông Đinh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Văn hóa Hà Nội, ông Lương Phan Cừ - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XI, XII, ông Nguyễn Đức Minh – Phó Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ, cùng các nhà thơ, nhà văn, các nhà lý luận phê bình đang công tác tại các Vụ, Viện, các cơ quan báo chí, văn học, nghệ thuật tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng: “Tập thơ này là minh chứng rằng, thi ca không bao giờ từ bỏ đời sống con người, cho dù có lúc chúng ta sống trong tăm tối, sự thất vọng của đời sống. Khi đọc tập thơ của Nguyễn Phúc Lộc Thành trong quyển 1 Giấc mơ sông Thương, lúc đó tôi đang làm dở tập thơ lục bát về làng chùa của tôi, nhưng tôi đã dừng lại bởi tôi cảm thấy những bài lục bát của tôi đã trở nên cũ mèm trước những bài thơ tinh khôi, mới mẻ, liều lĩnh, đa cảm của Nguyễn Phúc Lộc Thành, mà trong mỗi một quyển đều có những lời vàng, lời nhận xét của các nhà thơ tên tuổi. Tôi đã vẽ những bức phụ bản dựa trên những cảm xúc, suy ngẫm về giấc mơ sông Thương và có thể nói rằng nếu chúng ta không nhìn thấy một văn bản khác của Giấc mơ sông Thương thì những bức hội họa, 18 bức phụ bản của tôi cũng mở ra một chút nào đó.”
“Giấc mơ sông Thương” gồm 108 bài thơ. Nội dung ba tập thơ được nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành sắp xếp theo chủ đề riêng về sông Thương, về buổi chiều và văn hóa truyền thống Việt Nam. Cả ba tập thơ đều được viết theo thể thơ lục bát tuy nhiên nhà thơ đã ngắt nhịp xuống dòng có chủ ý, tạo điểm nhấn cho những chữ có giá trị nghệ thuật, làm điểm nhấn trong câu thơ.
Tại buổi ra mắt, Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành chia sẻ: “Tôi đến với thơ từ sớm, trước khi học 5 năm Nguyễn Du rồi trở thành công dân viết văn. Tôi đã bỏ viết 20 năm, giờ là lúc trở lại cùng tri kỉ của đời, để viết nên 108 bài Giấc mơ sông Thương. Đến với thơ, tôi từng nghĩ, để có thơ hay, không cần màng đến thế sự như văn xuôi, thơ có thể thoát ra khỏi đời sống. Tôi tìm đến thơ kì vọng ở một cảnh giới cao hơn văn xuôi. Tôi luôn tin tưởng vào sứ mệnh của thơ là hướng đến cái đẹp. ”
Nói về tập thơ mới của Nguyễn Phúc Lộc Thành, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ cảm xúc: “Lục bát là một thể thơ rất dễ viết, nhưng để làm được thơ lục bát hay thì khó vô cùng. Nguyễn Phúc Lộc Thành viết lục bát nhưng người đọc không thể đoán ra được câu sau như thế nào, tôi cho đấy là thành công của anh. Anh đã làm mới thể thơ lục bát, mới ở nhịp điệu, câu chữ. Sự gặp gỡ giữa anh và Nguyễn Quang Thiều, tôi cho đó giữa là những người tài sóng đôi với nhau và cả hai đã cùng tỏa sáng”.
Tại buổi ra mắt, 8 bài thơ đặc sắc được 8 bạn sinh viên trường Đại học Văn hóa thể hiện sâu lắng, giàu cảm xúc. Đặc biệt, 2 bài thơ viết về Đà Nẵng của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành được nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm phổ nhạc và hát tại buổi ra mắt như món quà tặng tác giả.
Hồng Anh
Theo Báo Đời sống & Tiêu dùng