Giá cắt cổ
Nhiều chủ quán tận dụng cơ hội khách không hỏi trước giá cả đồ ăn đã "chém" giá cắt cổ khi du khách ăn xong và không ít du khách cảm thấy choáng váng khi bị chủ quán ăn tính giá trên trời.
Chị Trần Thị Hằng (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), thực sự sốc khi vào quán gọi một nồi lẩu gà, một đĩa bê tái chanh, một đĩa đậu rán, hai đĩa rau su su xào và một két bia Hà Nôi, đồ ăn làm hết sức bình thường, nhưng đến khi gọi thanh toán tất cả đồ ăn và đồ uống hết 8 triệu đồng. Chị Hằng thắc mắc và đòi gặp chủ quán xem có tính nhầm không. Khi chủ quán ra chỉ giải thích bằng một câu nói duy nhất: "Giá ngày lễ em ạ, ngày thường lên đây anh bán rẻ hơn nhiều".
Một bữa ăn 8 triệu đồng cho sáu người mà chẳng ai ăn ngon miệng, chị Hằng than thở.
Gửi xe 50 - 70 ngàn/lần. (Ảnh (BH)
Có người rút kinh nghiệm khi đi ăn nên đã nhìn trước giá để khỏi bị chủ quán chặt chém. Nhưng tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa. Anh Phan Quốc Quân (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc, cả nhà năm người cùng đi tìm mãi mới thấy quán bún phở có niêm yết giá bán trên bảng treo ở cột ngay trước cửa quán, thấy vậy cứ thế kéo nhau vào gọi mỗi người một bát phở bò. Đến khi ra thanh toán, chủ quán nói là 400 nghìn đồng. Thấy chủ quán thu nhiều hơn so với giá niêm yết ban đầu anh Quốc thắc mắc tại sao trên bảng ghi mỗi bát giá 50 nghìn đồng mà giờ lại bán 80 nghìn đồng một bát.
Chủ quán phở này không ngần ngại đáp: "giá đó là của dạo trước, quán chưa kịp hạ xuống để thay bảng giá mới".
Ngoài ra, các loại nước ngọt như: Cam ép, trà C2, trà xanh không độ... cũng được các chủ cửa hàng thét giá cao gấp hai, gấp ba lần so với giá ngày thường.
Không chịu thua kém dịch vụ ăn uống, các điểm trông giữ xe tự phát cũng thi nhau thổi giá khiến cho khách hàng phải toát mồ hôi hột.
Nhìn thấy mấy chú đứng thổi còi, cầm gậy, đeo băng đỏ chỉ dẫn khách vào các điểm trông giữ xe khiến khách hết sức an tâm nghĩ mình đã gửi xe đúng bãi giữ xe của ban tổ chức hội Đền Hùng với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, chỉ đến khi lấy xe ra với giá 60 ngàn đồng cho mỗi chiếc xe thì mới biết mình đã bị lừa, Bạn Lê Phan ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc bức xúc nói.
Chặt chém 10 ngày: ăn đủ cả năm
Lực cười hơn cả, có những điểm trông giữ xe còn tính tiền cho mỗi loại xe khác nhau. Theo anh Bình, một người có điểm trông giữ xe trên đồi bạch đàn gần khu vực Đền Hùng, ở đây xe gas trông một giá và xe số trông một giá. Như lời anh giải thích, xe gas thường là những loại đắt tiền nên phải có giá cao hơn các loại xe bình thường. Theo đó, xe gas được trông với giá 70 nghìn, xe số là 50 nghìn. Nếu trông xe qua đêm thì giá còn cao gấp ba.
Nhờ vào diễn mùa diễn ra lễ hội Đền Hùng mà không ít gia đình đã kiếm được số tiền "khủng" mà họ có thể sống cả năm.
Khẳng định điều này, anh Nguyễn Văn Vinh trông giữ xe tại gần Đền Hùng nói: nhờ vào khoảng đất trống, gia đình tận dụng làm điểm trông giữ xe cho khách trong dịp lễ nên cũng kiếm được một khoản kha khá".
Bảng giá treo chỉ để "đánh lừa". (Ảnh BH)
Theo cách tính của anh Vinh, mỗi ngày gia đình nhận được khoảng 3 trăm chiếc xe máy và khoảng chục chiếc ôtô. Tính tổng tiền trông giữ xe một ngày cũng được khoảng 17 đến 18 triệu.
Anh Bình cho biết thêm, thu nhập cao như vậy thì không phải hôm nào cũng được. mấy ngày đầu thì giữ được ít xe hơn. Trông đến hết mùa lễ hội gia đình cũng có trên dưới 100 triệu đồng.
Với số tiền này, một gia đình sống ở nông thôn như nhà anh bình có thể dư tiền trang trải cho cả một năm.
Kiếm tiền nhanh, lãi khủng mà công sức bỏ ra chẳng đáng là bao nên nhiều hộ gia đình ở gần khu vực diễn ra lễ hội đã tận dụng triệt để khoảng trống của gia đình, lấn chiếm lòng đường làm địa điểm kinh doanh phi thương mại và chặt chém du khách.
Bảo Hân
Theo VEF