Du lịch miền Trung vắng khách ngay trong thời gian cao điểm của mùa du lịch. Thực trạng này đang là thách thức đối với những khu nghỉ dưỡng “triệu đô” tại miền Trung.
Du lịch miền Trung vắng khách ngay trong thời gian cao điểm của mùa du lịch. Thực trạng này đang là thách thức đối với những khu nghỉ dưỡng “triệu đô” tại miền Trung.
Đại diện một khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ khai thác phòng của khu nghỉ dưỡng này chỉ đạt mức 20-30%, trừ thời điểm diễn ra Lễ hội Thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (từ ngày 28/4 đến 30/4/2012) có tỷ lệ khai thác phòng vượt ngưỡng 60%. Đây chính là áp lực lớn đối với một khu nghỉ dưỡng cao cấp ngay trong mùa du lịch, bởi lẽ, dù tỷ lệ khai thác phòng thấp, nhưng việc vận hành nguyên bộ máy cả một khu nghỉ lớn vẫn được duy trì.
Ông Cao Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Vitours Đà Nẵng nhận định, áp lực lớn nhất đối với các khu nghỉ dưỡng cao cấp có thuê đơn vị quản lý chính là khuôn giá chuẩn phù hợp với đẳng cấp của khu nghỉ dưỡng, trong khi, tiêu chí “ngon, bổ, rẻ” của người tiêu dùng được đặt lên hàng.
“Những khách sạn hạng trung, hoặc những khu nghỉ dưỡng tự quản lý có thể linh hoạt về giá nhằm thu hút khách và lấy thu bù chi, thì các khu nghỉ dưỡng cao cấp thường rất khó thu hút khách trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi cứng nhắc khung giá ban hành theo tiêu chuẩn của nhà quản lý”, ông Dũng phân tích.
Bà Nguyễn Thị Túy Vân, Tổng giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Hoàng Trà nhìn nhận, tình hình kinh tế khó khăn nói chung và trong lĩnh vực dịch vụ du lịch nói riêng đã được dự báo trước. Nhiều doanh nghiệp du lịch đã kỳ vọng, nguồn khách nội địa sẽ là điểm tựa để giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2012. Tuy nhiên, so với những năm trước, nguồn khách nội địa sụt giảm đáng kể, chưa kể phân khúc thị trường khách hàng hội nghị hoặc các tổ chức, đoàn thể hầu như giảm rất nhiều. Điều này càng khiến doanh nghiệp du lịch rơi vào tình trạng khó khăn.
Không chỉ riêng các khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, ngành dịch vụ du lịch các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam - một trong những địa phương có nguồn thu từ dịch vụ du lịch chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu GDP - cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Ông Trương Văn Bay, Phó chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, Hội An được đánh giá là một trong những điểm du lịch đa dạng và hấp dẫn trong nhiều năm liền, nhưng hiện cũng rơi vào tình trạng khó khăn không kém. Nhiều chủ đầu tư những khu nghỉ dưỡng lớn đang gặp khó khăn, lợi nhuận không đủ khỏa lấp những chi phí đầu tư ban đầu, đặc biệt là lãi suất tín dụng, nên đã tìm cách cổ phần hóa hoặc chuyển đổi chủ sở hữu cho những đối tác có tiềm lực mạnh hơn.
Mặc dù ngành du lịch đang đối diện với nhiều thách thức, nhưng chính quyền các địa phương miền Trung xác định, đây vẫn là ngành mũi nhọn. Điều đó được thể hiện rõ trong cơ cấu vốn đầu tư trong lĩnh vực này chiếm tỷ lệ khá lớn. Hàng loạt dự án nghỉ dưỡng trong và ngoài nước đã và đang triển khai dọc bãi biển kéo dài từ Lăng Cô (Huế) đến Chu Lai (Quảng Nam) sẽ là niềm hy vọng cho sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội các địa phương này trong những năm tới.
Đánh giá về triển vọng trên, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình đốn và được xác định nằm vào điểm đáy của suy thoái, đây sẽ là tín hiệu khả quan cho sự hồi phục trong thời gian tới. Duy trì sự ổn định kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng là bước đi cần thiết. Đối với ngành du lịch, cần duy trì những lễ hội truyền thống như Cuộc thi Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng hay Festival Huế 2012, đồng thời vẫn phát triển những chương trình du lịch mới như Cuộc thi Dù bay quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Ẩm thực biển Đà Nẵng 2012… Đây được xem là sự chuẩn bị cần thiết của ngành du lịch để sẵn sàng bắt nhịp sự hồi phục của nền kinh tế.
Theo Vietnamnet