Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa giải quyết được những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai đang nảy sinh trong cuộc sống
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa giải quyết được những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai đang nảy sinh trong cuộc sống.
Ngày 9-10, Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đánh giá của đa số đại biểu, dự thảo luật chưa giải quyết được những mâu thuẫn, tranh chấp liên quan đến đất đai đang nảy sinh trong cuộc sống.
Mù mờ cơ chế định giá
Điểm mới của dự thảo luật là đã có sự thay đổi trong cơ chế định giá đất. Theo đó, nguyên tắc định giá đất cũng được sửa đổi “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường” thay cho nguyên tắc “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Đồng thời, bỏ quy định bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành và công bố vào ngày 1-1 hằng năm.
Cơ chế định giá đất sẽ có thay đổi khi dự thảo Luật Đất đai được thông qua.
Ảnh: Tấn Thạnh
Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, cho rằng nguyên tắc “phù hợp giá thị trường” còn mù mờ hơn khái niệm “sát giá thị trường” đang áp dụng hiện nay do không có căn cứ để tính. Vì từ khi định giá đến khi đền bù, đấu giá…, đã có sự khác biệt rất lớn về giá đất.
Đáng lưu ý là dự thảo luật cũng đổi mới theo hướng Nhà nước không áp dụng cơ chế thu hồi đất giao cho dự án mà thu hồi theo quy hoạch rồi đưa ra đấu giá, có cho phép cơ chế giá thỏa thuận.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cho rằng như thế là chưa đi đúng vấn đề cần đổi mới là làm gì để có đất cho đầu tư phát triển dự án. Cơ chế giá đất thỏa thuận hiện nay đang tắc do nhà đầu tư và người bị thu hồi đất không thống nhất được giá đền bù. “Khiếu nại đông người chỉ xảy ra ở các dự án giá bồi thường cho dân thấp nhưng khi có đất, nhà đầu tư bán giá rất cao. Do đó, phải có cơ chế giá đất phù hợp để giải quyết lợi ích địa tô hợp lý mới chấm dứt khiếu kiện, tranh chấp” - GS Đặng Hùng Võ đề xuất.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, đề nghị áp dụng nguyên tắc “giá công bằng” thay cho nguyên tắc giá đất “phù hợp giá thị trường”. “Giá công bằng” được hiểu là giá có thể giúp tạo được tài sản tương đương tài sản bị thu hồi tại địa điểm khác tương tự và cộng thêm một khoản lợi ích do dự án phát triển đất đem lại.
Trưng mua thay cho thu hồi
Cho rằng chế độ thu hồi đất thiếu minh bạch, thiếu công bằng là nguyên nhân dẫn đến lạm quyền, tham nhũng, gây bất bình trong dân, ông Phạm Sỹ Liêm đề xuất thay “chế độ thu hồi đất” bằng “chế độ trưng mua”. Cùng quan điểm này, luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch Công ty Tư vấn Vfam, cho rằng như vậy sẽ khiến người có đất bị thu hồi xóa bỏ tâm lý bị tước đoạt. Việc thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ áp dụng trong trường hợp trưng mua không thực hiện được, vi phạm pháp luật đất đai hoặc chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện.
Ngoài ra, ông Vũ Xuân Tiền còn chỉ ra 6 nút thắt trong Luật Đất đai mà dự thảo này chưa sửa đổi được. Đó là các kẽ hở trong giao đất, cho thuế đất, thu hồi đất; xác định giá đất chưa minh bạch, tạo chênh lệch lớn khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Đặc biệt, ông Vũ Xuân Tiền nhấn mạnh nút thắt lớn là phân cấp quản lý quá rộng khiến đất đai từ sở hữu toàn dân trở thành sở hữu của một nhóm lợi ích.
Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng Luật sư AIC, cũng cho rằng dự thảo trao quá nhiều quyền cho Bộ Tài nguyên - Môi trường, thiếu khách quan, minh bạch, chưa có tính thuyết phục.
Cần lập ban soạn thảo khác
Với những hạn chế được các đại biểu “mổ xẻ” trong hội thảo, luật sư Trương Thanh Đức khẳng định: “Chưa có gì bảo đảm cho luật này sống lâu hơn các luật đất đai cũ với thời gian tồn tại trung bình chỉ 4 năm đã phải bỏ đi làm lại”. Gay gắt hơn, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng để cho ra một dự thảo Luật Đất đai như vậy là ban soạn thảo “không đủ tầm”. Quốc hội cần lập riêng một ban soạn thảo khác mới hy vọng sửa đổi được Luật Đất đai một cách toàn diện.
|
Phương Anh
theo NLĐ