Sự kiện hot
10 tháng trước

Rồng - Biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt

Rồng là sản phẩm của huyền thoại, nhưng trong tâm thức người Việt, hình ảnh rồng là biểu tượng thiêng liêng của nguồn gốc dân tộc. Dù đi đâu, ở đâu trên thế giới, con cháu Lạc Hồng vẫn luôn tự hào về cội nguồn cao quý của mình.

Rồng là linh vật huyền thoại, có sức ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam. Rồng đứng đầu trong tứ linh, là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực, trí tuệ và sự may mắn.

Trong dân gian, rồng là loài vật có hình dáng to lớn, khỏe mạnh, có khả năng hô mưa, gọi gió, điều khiển thiên nhiên. Rồng cũng là biểu tượng của sự che chở, bảo vệ. Người Việt tin rằng, ở đâu có rồng xuất hiện thì ở đó sẽ có mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Hình tượng rồng gắn liền với lịch sử, văn hóa và đời sống của người Việt. Rồng được thể hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kiến trúc, điêu khắc, hội họa cho đến trang phục, đồ dùng sinh hoạt. Rồng là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là biểu tượng cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên của dân tộc. Chính những lý do này đã khiến rồng trở thành linh vật tối cao, có sức mạnh vô song trong lòng người Việt. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, hình tượng rồng vẫn luôn là biểu tượng của văn hóa, sức mạnh và tinh thần dân tộc Việt Nam.

Đứng đầu “tứ linh”

Con Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Bốn con vật này tạo ra vẻ đẹp hoàn mỹ, cho cái “phú quý song toàn đinh tài lưỡng vượng”, bốn con vật này còn tượng trưng cho thế giới phẩm
hạnh trọn vẹn được sắp xếp theo trật tự từ trên trời – dưới đất, trên cạn – dưới nước, vừa có con bò lại vừa có con chạy, lại vừa có con bay. Rồng được đứng đầu vì nó vừa bay được trên không, vừa là chủ của thế giới thủy cung, lại có thể hóa thành thân kiếp khác để đi ngao du trên cạn, nghĩa là một con vật toàn tài nhất

Theo các nhà nghiên cứu, thì Rồng (Thìn) chỉ là một con vật tưởng tượng không có thật trong đời sống thực tế, cho dù thực tế cổ xưa đi nữa. Nhưng do là con vật tưởng tượng nên Rồng đã được đưa
khá nhiều vào thành ngữ tiếng Việt, Rồng hay Long, Phụng đều được Việt Nam hóa và đưa vào các thành ngữ đối, ẩn dụ. Trên thực tế, trong 12 con giáp, chỉ có con Rồng là con vật huyền thoại. Rồng không thuộc thế giới động vật mà con người có trong tay để thuần dưỡng, nuôi nấng. Chính vì vậy mà tuy nó xâm nhập, ăn sâu vào trong đời sống, nhất là trong đời sống tâm linh của con người, nhưng nó cũng rất xa vời gây ra cho con người phần nào cũng phải sợ nó.

Vì con Rồng là con vật tưởng tượng, nên xuất xứ của nó không giống với các con vật
khác trong 12 con giáp. Vậy con Rồng xuất hiện như thế nào, và một điều chắc chắn là loài người chúng ta chưa có ai gặp Rồng thật bao giờ, nhưng trên thực tế thì hình ảnh của con Rồng thì hầu như ai cũng biết.

Ở phương Đông, con Rồng là vật đứng đầu trong 4 loài tượng trưng cho sự phong lưu, sung sướng của con người, gọi là Tứ quý, đó là Rồng, Lân, Rùa, Phượng (Long, Lân, Quy, Phượng). Khác với phương Đông, ở phương Tây, con Rồng lại được tượng trưng cho sức mạnh của ma quỷ thường hay quấy rối loài người, Rồng là quái vật hung thần dữ tợn, nhưng đồng thời cũng là quái
vật giữ kho báu.

Trong dân gian con Rồng chính là con vật tượng trung cho linh thiêng và điềm lành. Trong số 12 con giáp, năm Rồng (tức là năm Thìn ứng với các năm như Giáp Thìn, Bính Thìn, Mậu Thìn, Canh Thìn, và Nhâm Thìn) là năm đại cát, ai tuổi Thìn sẽ thành đạt, vẻ vang phú quý hơn người, mặc dù có cao số (đối với người nữ tuổi Thìn).

Dân gian đã có câu “mả tang hàm rồng” là chỉ một ai đó có hồng phúc. Hình tượng con Rồng muôn hình dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ được thấy trong thơ ca, tiểu thuyết, hội họa, điêu khắc
và kiến trúc chùa chiền, đồ mỹ nghệ, trải qua các thời đại, mà nó còn đi sâu vào phong tục tập quán dân gian. Trong những ngày lễ, ngày tết ở phương Đông đâu đâu cũng thấy hình ảnh con Rồng. Đặc biệt là múa lân trong các ngày lễ đầu năm và tết Trung thu như ở Việt Nam và Trung Quốc và còn có cả  tục bơi thuyền, nhiều người còn thích treo tranh “cá chép vượt vũ môn”, cá chép vượt được vũ môn sẽ hóa thành Rồng.

Rồng trong tín ngưỡng, tâm linh phong thủy

Rồng là loài vật không có thực ở hiện tại, nhưng trong tâm thức người Việt, hình ảnh rồng đã gắn liền và hằn sâu như một biểu tượng thiêng liêng của sức mạnh và thịnh vượng. Rồng là biểu tượng của quyền lực tối cao, mang đến cho con người nhiều phước lành và điềm may mắn.

Trong lĩnh vực tâm linh phong thủy, rồng được coi là linh vật có khả năng hóa sát, trừ tà, mang lại may mắn, tài lộc và bình an cho gia chủ. Các loại tượng rồng như Thanh Long, Hoàng Long, Bạch Long,... thường được đặt ở những vị trí quan trọng trong nhà như phòng khách, phòng làm việc, cửa chính,... để mang lại sự tốt lành cho gia đình.

Không chỉ trong phong thủy, hình ảnh rồng còn được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ truyền thống, lễ hội dân gian của người Việt. Trong các dịp lễ hội long trọng, người dân thường mang theo đuốc rồng, thực hiện các màn múa rồng đầy khí thế để thể hiện sự tôn kính với tổ tiên và cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no hạnh phúc.

Hình tượng rồng cũng được thể hiện rất nhiều trong các công trình kiến trúc cổ kính của Việt Nam như đình chùa, lăng tẩm,... Tượng rồng được đặt trên bờ nóc, bờ mái đình chùa tạo sự trang nghiêm và uy nghiêm, đồng thời xua đuổi tà ma, bảo vệ cho dân làng bình yên.

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, hình ảnh rồng cũng gắn liền với các nghi lễ cưới hỏi. Các cặp đôi khi cưới hỏi sẽ có thủ tục trao tráp Rồng Phượng dâng gia tiên, bày tỏ lòng thành kính và hiếu thuận với tổ tiên.

Rồng trong lịch sử

Trải qua dòng chảy lịch sử, hình tượng Rồng trong văn hóa Việt Nam có sự biến đổi linh hoạt theo từng thời kỳ. Trong thời kỳ Hùng Vương xây dựng đất nước, Rồng được tôn sùng như một vị thần linh thiêng, bảo trợ cho con dân Đại Việt. Vua Hùng đã truyền dạy cho dân chúng cách xăm hình Rồng lên cơ thể để tránh sự tấn công của thủy quái.

Trong các triều đại phong kiến sau này, hình tượng Rồng trở thành biểu tượng quyền lực tối cao của nhà vua. Những đồ dùng của vua như: áo long bào, long sàng, long ỷ, long ấn đều có hình tượng loài Rồng sang quý. Ở một số triều đại, tất cả những đồ vật có hình Rồng chỉ dành riêng cho vua chúa nhằm thể hiện quyền lực độc tôn của mình.

Rồng được coi là đại diện cho sức mạnh, trí tuệ và sự may mắn trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Hình tượng Rồng đã trở thành biểu tượng tinh thần, khơi dậy niềm tự hào dân tộc và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mãnh liệt của người Việt Nam.

Rồng trong điêu khắc, kiến trúc

Trong lĩnh vực điêu khắc và kiến trúc, hình tượng Rồng luôn gắn liền với những yếu tố lịch sử quan trọng. Trong các triều đại phong kiến, Rồng được coi là đại diện cho chân mệnh thiên tử, tượng trưng cho quyền lực và sự uy nghiêm của vua chúa. Hình ảnh Rồng thiêng được sử dụng rộng rãi trong các vật dụng thường ngày của nhà vua, cũng như trong các cảnh quan kiến trúc như lăng mộ, lăng tẩm, điện thờ, mái đình chùa chiền, trên các cột trụ, cổng chào, cổ diêm, bậc tam cấp…

Việc sử dụng hình tượng Rồng trong các khu vực linh thiêng và trang nghiêm là bởi vì Rồng được xem như sự đại diện của các vị thần có sức mạnh tối cao, là biểu tượng của trời đất. Mỗi thời đại sẽ có một hình tượng và tư thế biểu thị dáng Rồng khác nhau, phản ánh tư duy và văn hóa kiến trúc của thời đại đó.

Trong lĩnh vực kiến trúc, hình tượng Rồng được sử dụng để tạo nên những tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Rồng được khắc họa với vẻ oai phong, mạnh mẽ, thể hiện sự tôn nghiêm và linh thiêng. Những tác phẩm điêu khắc, kiến trúc thời phong kiến với hình tượng Rồng còn được truyền lại cho hậu thế, giúp chúng ta thấy rõ được sự tiến bộ và sáng tạo của lĩnh vực kiến trúc từ ngàn năm trước.

Rồng trong văn hóa, nghệ thuậ

Hình ảnh Rồng còn được sử dụng rộng rãi trong nghệ thuật và phong cách sống. Thời phong kiến, rồng thường được ứng dụng trong đồ dùng hoàng gia, thể hiện uy quyền và thế lực. Các loại trang phục cung đình được phân chia rõ ràng về màu sắc và họa tiết hình Rồng, tùy theo từng sự kiện. Đầu tiên là Long bào, đây là chiếc áo vua mặc khi thiết triều hoặc lễ hội, thêu 9 con rồng bằng chỉ bóng và chỉ kim tuyến. Hoàng bào là trang phục vua mặc vào các dịp thường triều, được nạm trân châu và ngọc. Hay Long cổn là áo màu đen vua mặc trong nghi lễ tế giao, thêu họa tiết "lưỡng long triều nhật" (hai rồng chầu mặt trời).

Hình tượng Rồng cũng hiện diện trong văn hóa nghệ thuật cung đình. Vua triều Nguyễn thường thưởng thức ca múa trên sông bằng thuyền rồng. Khung cảnh thơ mộng hòa cùng giai điệu du dương tạo nên văn hóa nghệ thuật nhã nhạc cung đình, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.

Rồng là biểu tượng thiêng liêng và đặc biệt trong tâm thức người Việt, đại diện cho sức mạnh, quyền lực, may mắn và lòng yêu nước của người Việt Nam. Hình ảnh rồng xuất hiện trong nghệ thuật và văn hóa truyền thống, tạo nên một phần không thể thiếu trong sự đa dạng và đẹp mắt của văn hóa Việt Nam.

Bảo An

Theo KTDU

Từ khóa: