Chứng kiến sự tỏa sáng của Harry Kane và Jamie Vardy trên sân Olympia tại thủ đô Berlin giúp "Tam Sư" lội ngược dòng thắng Đức 3-2 sau khi bị dẫn 0-2, người hâm mộ đội tuyển Anh và cả huấn luyện viên Roy Hodgson có lẽ đều hiểu thời gian để tượng đài Wayne Rooney lui vào hậu trường đã tới.
Phong độ của Wayne Rooney ngày càng sa sút. (Nguồn: skysports.com)
Harry Kane với tình huống vê bóng bằng gót vượt qua hai hậu vệ Đức trước khi dứt điểm hiểm hóc hạ gọc Neuer đã biến những kỳ vọng về một chân sút đẳng cấp, người có thể ghi những bàn thắng quan trọng bằng cách đơn giản trở thành sự thực.
Trong khi đó, Vardy với cú đánh gót cực hiểm trong tình huống bị kém tung lưới Neuer chính thức đưa người Anh đóng hòm vị trí trung phong tại Pháp mùa Hè tới. Kane sẽ đá chính, còn Vardy dự bị, kịch bản không thể hoàn hảo hơn với huấn luyện viên Roy Hodgson.
Sự tỏa sáng của Kane và Vardy tại cả Premier League lẫn đội tuyển Anh rõ ràng đã mở ra cánh cửa hậu giành cho Wayne Rooney, người sa sút phong độ thảm hại trong mùa giải này. Nhìn cả về khía cạnh lý trí lẫn tình cảm, rất khó để Rooney sẽ làm nên chuyện gì vào EURO tới nếu được ông Hodgson triệu tập.
Đầu tiên trên khía cạnh chiến thuật, ông Hodgson ưa thích việc sử dụng hai sơ đồ cho "Tam Sư" là 4-3-3 và 4-3-1-2. Trong cả hai cách vận hành chiến thuật này, Rooney nếu được sử dụng đều sẽ chơi trung phong cắm. Điều này sẽ lãng phí Harry Kane, người đã ghi tới 24 bàn mùa này. Ông Hodgson có thể kết hợp Kane và Rooney? Câu trả lời gần như là không thể. Rooney không còn đủ thể lực để chơi rộng trong sơ đồ 4-3-3, hoặc đá lùi trong sơ đồ 4-3-1-2. Ở những vị trí đòi hỏi thể lực này, ông Hodgson có quá nhiều sự lựa chọn, từ Sterling, Welbeck, Sturridge cho tới Lallana, thậm chí cả Walcott.
Xét về đẳng cấp, tầm ảnh hưởng, Rooney sẽ hơn Kane. Nhìn nhìn về phong độ, kỹ năng chuyên môn vào lúc này, Wazza đã tụt lại quá sâu so với người đàn em.
Sự thoái trào của Rooney đi kèm theo đó là sự vươn lên của những người đàn em tài năng làm nhiều người liên tưởng tình trạng của đội tuyển Anh hiện tại với hai nhà vô địch thế giới gần nhất là Đức và Tây Ban Nha.
Trước khi mở ra triều đại huy hoàng từ 2008 tới giờ, Tây Ban Nha phụ thuộc cực lớn vào tượng đài Raul Gonzalez trên hàng công. Raul chơi tệ, chấn thương, sút hỏng phạt đền, Tây Ban Nha thua cuộc và bị loại. Tới World Cup 2006, sau mâu thuẫn (được cho là lớn) với Luis Aragones, Raul vĩnh viễn không bao giờ được gọi trở lại đội tuyển quốc gia, ngay cả khi “Chúa nhẫn” chịu đứng ra xin lỗi trước thềm EURO 2008. Giải phóng khỏi “xiềng xích” mang tên Raul, Tây Ban Nha đi thẳng tới hai chức vô địch Euro, một chức vô địch World Cup.
Với Đức, đó là trường hợp của Michael Ballack. Kể từ khi đóng vai người hùng tại World Cup 2002, đội tuyển Đức với Ballack làm đội trưởng luôn thất bại trước ngưỡng cửa vinh quang tại World Cup 2006 cũng như EURO 2008. Ảnh hưởng của Ballack lên đội tuyển quốc gia là cực lớn theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Ballack giống như ông vua về nhì, vận chính số phận của mình lên Die Mannschaft.
Ngay trước thềm World Cup 2010, Ballack dính chấn thượng cực nặng, và buộc huấn luyện viên Joachim Loew phải tìm người thay thế anh. Sami Khedira được chọn lựa, sau chiến tích ấn tượng của tại Nam Phi năm đó Ballack không bao giờ được gọi trở lại đội tuyển. Đội tuyển Đức sau đó lọt vào bán kết EURO 2012 trước khi vô địch World Cup 2014 với không một chút ảnh hưởng nào của Ballack lên đội tuyển quốc gia.
Theo cả cách vô tình lẫn cố ý, thành công của Đức và Tây Ban Nha đều xuất phát từ sự ra đi của một tượng đài ngay trước đó. Rooney hiện tại là đội trưởng, là chân sút ghi nhiều bàn nhất trong lịch sử đội tuyển quốc gia, nếu người Anh phải “hy sinh” một ai để bước lên đỉnh cao của Châu Âu, Rooney là sẽ là cái tên thích hợp hơn cả.
Câu hỏi cuối được đặt ra là liệu ông Roy Hodgson có dám làm điều đó hay không. Dư luận, truyền thông tại Xứ sở Sương mù vẫn là điều gì đó có ảnh hưởng tới những quyết định lớn lao tại đất nước này.
Nhật Anh
theo Vietnam+