Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, điều kiện cho vay bằng ngoại tệ bị thắt chặt, nhiều ngân hàng (NH) đang tung ra chương trình cho vay VNĐ với lãi suất ngoại tệ nhưng thực chất số tiền vay và lãi suất đều được định giá bằng USD.
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, điều kiện cho vay bằng ngoại tệ bị thắt chặt, nhiều ngân hàng (NH) đang tung ra chương trình cho vay VNĐ với lãi suất ngoại tệ nhưng thực chất số tiền vay và lãi suất đều được định giá bằng USD.
Lãi suất tối thiểu 7%/năm
Theo đó, khách hàng là doanh nghiệp (DN), cá nhân có nhu cầu bổ sung vốn kinh doanh, thanh toán tiền mua hàng hóa được các NH cho vay VNĐ thời hạn 3-6 tháng, lãi suất tối thiểu 7%/ năm.
Tuy nhiên, khách hàng phải cam kết thanh toán cho NH số tiền gốc và lãi được quy đổi theo sự biến động của tỉ giá USD. Cụ thể: Đến kỳ trả nợ, ngoài việc khách hàng phải thanh toán số tiền vay VNĐ ban đầu và lãi suất, nếu tỉ giá tại thời điểm đó cao hơn tỉ giá khi vay, NH sẽ thu thêm phần chênh lệch. Trường hợp tỉ giá lúc trả nợ thấp hơn thì NH thu nợ gốc VNĐ và lãi suất.
Do nhiều DN còn nặng tâm lý về biến động tỉ giá nên một số NH kích thích họ vay vốn dạng này bằng dịch vụ bảo hiểm tỉ giá không quá 3% so với tỉ giá tại thời điềm giải ngân; phần vượt trên mức 3%, NH sẽ gánh thay cho khách hàng. Ví dụ, ngày 20-6, DN vay số tiền 2,1 tỉ đồng trong 6 tháng, tỉ giá mua ngoại tệ tại thời điểm giải ngân là 21.000 đồng/USD, tính ra, khoản vay được quy đổi là 100.000 USD.
Đến hạn trả nợ vào ngày 20-12, tỉ giá bán ngoại tệ do NH công bố là 22.050 đồng/USD (đã biến động 5%). Khi đó, ngoài lãi suất của 100.000 USD, NH sẽ thu thêm 3% do biến động tỉ giá là 63 triệu đồng (100.000 USD x (21.000 đồng x 3%) = 63 triệu đồng). Còn phần vượt trên mức 3% (tương ứng khoảng 42 triệu đồng), bên vay không phải chi trả cho NH.
“Né”quy định
Theo Thông tư số 03/2012/TT-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ, từ ngày 2-5, các NH thương mại chỉ được phép cho vay bằng ngoại tệ để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ (ngoại trừ DN nhập khẩu xăng dầu).
Điều này đồng nghĩa DN không có nguồn thu ngoại tệ phải vay VNĐ rồi mua ngoại tệ của NH để thanh toán hàng hóa nhập khẩu. Thế nhưng, do lãi suất cho vay VNĐ thường cao gấp đôi so với USD khiến DN không dám vay, buộc các NH “né” các quy định về cho vay ngoại tệ bằng cách cho vay VNĐ với lãi suất ngoại tệ nhằm khơi thông nguồn vốn.
Một quan chức NH Nhà nước cho biết trường hợp NH thương mại cho vay VNĐ với lãi suất USD kèm theo bảo hiểm tỉ giá là không phạm luật, bởi NH giải ngân, thu hồi vốn lẫn lãi, phí bảo hiểm tỉ giá đều bằng VNĐ. DN vay VNĐ rồi được NH quy đổi sang ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, thực chất là DN đã mua ngoại tệ của NH để thanh toán tiền mua hàng hóa từ đối tác nước ngoài, phù hợp với quy định của NH Nhà nước.
Phương thức cho vay này sẽ giúp DN không phải “sốt vó” mua USD khi đến hạn trả nợ, thường làm thị trường ngoại tệ căng thẳng như nhiều năm trước. Việc DN nhập khẩu vay VNĐ với lãi suất ngoại tệ sẽ rẻ hơn rất nhiều so với vay VNĐ thông thường. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất mà bên vay thường phải đối mặt là tỉ giá có thể biến động.
Khi cho vay VNĐ với lãi suất USD, hiện một số NH quy định lãi suất sẽ thay đổi 1 tháng/lần theo biểu lãi suất do NH đó công bố.
Theo các chuyên gia kinh tế, đây là yếu tố mà bên vay cần phải lưu ý, bởi lãi suất cho vay bằng ngoại tệ không bị khống chế mức trần nên NH có thể điều chỉnh lãi suất và tỉ giá theo ý muốn của mình. Do đó, khi ký hợp đồng vay vốn, bên vay cần cẩn trọng về các điều khoản liên quan đến lãi suất, có thể thỏa thuận với NH điều chỉnh trên một cơ sở nhất định.
Theo NLĐ