Chỉ trong ít ngày gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều các cơ sở chế biến thực phẩm bằng chất cấm vàng ô kịch độc khiến người tiêu dùng hoang mang.
Vàng ô là loại hóa chất dùng để tạo màu cho thịt gia cầm. Trên thực tế đây là chất màu chuyên dùng làm ve quét tường hoặc nhuộm vải. Tuy nhiên, trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm, chất này bị nghiêm cấm tuyệt đối dù sử dụng với liều lượng ít do ảnh hưởng tới gan, thận, thậm chí gây gây ung thư, thiểu năng trí tuệ cho con người.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC) chất vàng ô là chất đứng hàng thứ 5 trong 116 chất gây ung thư hàng đầu trên thế giới.
Song vì lợi nhuận mà nhiều tiểu thương đã bất chấp tất cả để ngâm thực phẩm cùng hóa chất kịch độc trên.
Măng "ngậm" vàng ô
Dân trí đưa tin, ngày 6/4, thông tin từ Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị vừa phát hiện 2 cơ sở dùng hóa chất tấy trắng rồi nhuộm màu măng tươi cùng 1 cơ sở sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc để sản xuất quẩy.
Ngày 5/4, lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện cơ sở sản xuất của bà Phạm Thị Trang (SN 1987, tại khối 2, phường Đội Cung, TP Vinh, Nghệ An) sử dụng chất tẩy trắng, nhuộm màu cho măng.
Cơ quan chức năng phát hiện ra hai cơ sở ngâm hàng tấn măng vào chất vàng ô. (Ảnh: Dân trí)
Tại đây, có khoảng 10 tấn măng đã qua sơ chế, được ngâm với nước có pha chất bột màu vàng. Lực lượng chức năng cũng phát hiện 3 bao chất bột màu vàng không nhãn mác nghi chất vàng ô nhưng chủ cơ sở cho rằng đây là nghệ dùng để nhuộm màu cho măng, được mua ngoài chợ với giá 20.000 đồng/kg.
Tiếp đó, tại cơ sở sản xuất của ông Lê Đức Sơn (SN 1970, cũng ở phường Đội Cung) lực lượng chức năng phát hiện 500kg măng đã qua sơ chế và 15 tấn măng chất trong kho gần 1 năm, đã bốc mùi hôi thối, chuyển sang màu đen cùng 27kg chất bột màu trắng không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Dù không biết các hóa chất để tẩy trắng và nhuộm màu cho măng là chất gì, xuất xứ từ đâu nhưng chủ cơ sở này cho biết, măng sau khi được “phù phép” thành màu vàng óng sẽ được bán cho các đầu mối ở chợ trước, các cửa hàng ăn trong và ngoại tỉnh. Trung bình mỗi ngày cơ sở của ông Đức cung cấp cho thị trường 2 tạ măng “ngậm” hóa chất. Cơ sở sản xuất này đã hoạt động được 15 năm.
Theo cơ quan chức năng, để măng có màu vàng tươi bắt mắt, chủ các cơ sở chế biến măng pha chất vàng ô vào nước ngâm loại thực phẩm phổ biến này trong khoảng từ 5 đến 10 phút, sau đó vớt bán cho người tiêu dùng.
Theo tìm hiểu, một lượng chất vàng ô chỉ có giá 14.000 đồng nhưng nhuộm được khoảng gần 1 tấn măng.
Măng nhuộm chất vàng ô có màu bắt mắt nên rất thu hút người mua, trong khi măng không nhuộm chất này rất ế ẩm.
Hàng loạt mẫu dưa cải bị tẩm chất vàng ô
Theo Tiền Phong, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng cho biết, tất cả 7 mẫu dưa cải muối gửi đi kiểm nghiệm đều bị nhiễm chất vàng ô.
Dưa muối ngậm chất vàng ô. (Ảnh minh họa)
Được biết số dưa cải trên được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Đà Nẵng lấy mẫu tại 3 chợ là chợ đầu mối Hoà Cường, chợ Đống Đa và chợ Hoà Khánh. Sau đó, chi cục gửi số mẫu này tới Trung tâm phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để kiểm nghiệm.
Được biết, các cơ sở thực phẩm và tiểu thương tại chợ bán dưa có tẩm chất vàng ô là để làm cho sản phẩm đẹp hơn, có màu vàng bắt mắt.
Những món ăn thường ngày phát hiện chất cấm vàng ô này không khỏi khiến người tiêu dùng lo lắng bởi chúng đều là những món ăn khoái khẩu của người Việt.
Gà "ăn" vàng ô
Theo Gia đình & Xã hội, thịt gà, ngan, vịt rất phổ biến trong bữa ăn gia đình, nhưng mới đây Bộ NN&PTNT đã phát hiện chất vàng ô được trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu da vàng hấp dẫn cho gia cầm khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.
Gà có màu vàng đẹp mắt vì ngậm chất vàng ô. (Ảnh: Khỏe & Đẹp)
Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, vàng ô (VAT Yallow) là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng. Nếu trộn vàng ô vào thức ăn cho gà sẽ khiến thịt gà, cá, trứng gia cầm trông bắt mắt, nhưng ăn chất này sẽ tích tụ lại và về lâu dài sẽ gây ung thư… đặc biệt là có thể gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.
Cùng chung với ý kiến của ông Thịnh, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, quá trình chăn nuôi các hộ chăn thả dùng chất vàng ô để trộn vào thức ăn cho gà, khiến chúng tạo màu da thân, da chân và đặc biệt là lòng đỏ trứng gà có màu vàng bắt mắt.
Gia cầm ăn thức ăn có trộn chất vàng ô, không tăng chất dinh dưỡng ở thịt, mà còn gây bệnh nguy hiểm. Cụ thể như bị dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, hệ thần kinh và thận, lâu ngày có thể gây ung thư. Với trẻ nhỏ hấp thụ quá nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung.
Nhiều người cho rằng, mua gà sống về nuôi thả vườn, nuôi lồng nửa tháng mới ăn, với mong muốn để gà thải bớt những chất độc, kháng sinh trong cơ thể chúng. Nhưng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, khi cơ thể con vật ăn thức ăn có chứa hóa chất cấm bản thân nó không tiêu hóa được, cũng không thải được và cứ tích lũy trong thịt và nội tạng gia cầm. Đặc biệt là trong lòng đỏ trứng. Vì vậy cách mua gà về rồi nuôi thêm nửa tháng, 1 tháng cũng không đào thải được các chất đó trong những con gia cầm đã ăn phải.
Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi sử dụng chất vàng ô này trộn vào thức ăn để tạo màu đẹp, đồng thời khi cho gà ăn sẽ giúp chân, da gà có màu vàng bắt mắt.
Các chuyên gia khuyên, khi mua gia cầm thịt sẵn, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng vàng đậm, mỡ màu vàng. Thịt nhìn thấy tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi. Da không có vết tụ máu, hay bầm tím.
Nên chọn gia cầm sống, mổ tại chỗ để mua được gia cầm tươi ngon. Có một cách rất dễ để người tiêu dùng phân biệt gà, ngan, vịt nhuộm màu độc hại là da của nó có màu vàng óng đẹp và đều, nhưng phần mỡ lại trắng (do bên trong của những con gia cầm này không bị chuyển màu) hoặc có thể thử bị nhuộm hóa chất bằng cách: Vắt ít nước cốt chanh hoặc ít nước muối vào, nếu da gà bị nhuộm sẽ đổi màu.
Thiên An (tổng hợp)
theo ĐSPL