Sự kiện hot
13 năm trước

S-fone ngày càng “chồn chân”

S-fone (trực thuộc công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn – SPT) không có nhiều chương trình khuyến mại, marketing để đua giành khách hàng như các nhà mạng khác. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở lĩnh vực viễn thông, điều đó dễ dẫn đến việc khách hàng bỏ đi.

S-fone (trực thuộc công ty cổ phần bưu chính viễn thông Sài Gòn – SPT) không có nhiều chương trình khuyến mại, marketing để đua giành khách hàng như các nhà mạng khác. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt ở lĩnh vực viễn thông, điều đó dễ dẫn đến việc khách hàng bỏ đi.

Bà Đoàn Thị Ý (Hóc Môn, TP.HCM), chủ thuê bao 09588xxxxx than phiền: “Cả năm nay sóng S-fone yếu quá, chập chờn, lúc có, lúc không. Tôi tắt máy cả tháng vậy mà có người bảo là máy đổ chuông mà sao không nghe máy?”

Cách đây bốn năm, S-fone còn là nhà mạng di động đứng thứ tư, sau Viettel, Mobifone và Vinaphone. Ảnh: Minh Phúc

Khách hàng teo tóp

Chúng tôi thử gọi, được trả lời: “Thuê bao quý khách vừa gọi... không liên lạc được”. Tưởng chừng những thuê bao này đang tắt máy nhưng nhiều chủ nhân cho biết đã bỏ thuê bao hơn một năm nay.

Ông Phạm Tiến Thịnh, giám đốc S-Fone cho Sài Gòn Tiếp Thị biết, cuối tháng 1.2012, tổng số thuê bao được ghi nhận trên hệ thống của S-fone là hai triệu. Cũng cần giải thích, đây là những thuê bao có sử dụng ít nhất là một hoạt động: gọi hoặc nhắn tin đến một thuê bao khác. Theo quy định của ngành viễn thông, những thuê bao này vẫn được xem là “thuê bao hiện hữu”. Còn thuê bao đem lại doanh thu thường xuyên cho S-fone, theo một nguồn tin riêng, chỉ xấp xỉ 100.000.

Trong năm 2010, SPT tuyên bố sẽ đầu tư thêm 1.000 trạm phát sóng bằng nguồn vốn riêng. Theo xác nhận của một người có trách nhiệm của S-fone, đó là “kế hoạch”, còn trên thực tế, trong năm 2010, S-fone không được đầu tư trạm phát nào. Lý do: S-fone lẫn công ty mẹ là SPT không còn vốn.

Nợ bao vây

Từ đầu năm ngoái, giới am hiểu về thị trường viễn thông Việt Nam tiết lộ, S-fone đang nợ tiền thuê mặt bằng đặt trạm phát sóng, cước kết nối, thuê kênh truyền dẫn... Một nhà mạng xác nhận, hiện nay S-fone có nợ những khoản tiền trên nhưng họ không được quyền tiết lộ con số cụ thể. Còn ông Thịnh, giám đốc S-fone không tiết lộ con số nợ là bao nhiêu mà chỉ giải thích: “Công nợ từ các hợp đồng thương mại song phương, từ các khoản vay tín dụng và cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo hình thức gối đầu trong hoạt động sản xuất kinh doanh là một vấn đề rất bình thường đối với doanh nghiệp có quy mô như S-fone. Nhiều đối tác đã thông cảm và chia sẻ với những khoản nợ của chúng tôi vì họ có niềm tin ở tương lai của S-fone”.

S-fone chính thức hoạt động vào tháng 7.2003 trên mô hình hợp tác kinh doanh (BCC) giữa SPT và SK Telecom (Hàn Quốc). Tổng số vốn của mô hình này khoảng 230 triệu USD, tính đến thời điểm hợp doanh này chính thức chuyển sang mô hình liên doanh, trong đó, SK Telecom góp thiết bị, còn SPT góp 10 triệu USD vào vốn lưu động.

Tháng 4.2011, dư luận hy vọng S-fone sẽ có vốn để phát triển thị trường khi nghe tin Saigon Tel và Saigon Invest Group (SGI) trở thành cổ đông chiến lược khi sở hữu gần 36 triệu cổ phiếu (gần 50 triệu cổ phiếu của SPT bán ra trong đợt này), nắm 30% vốn điều lệ của SPT với số vốn quy đổi khoảng 550 tỉ đồng. Nhưng “những nhà đầu tư mới này chỉ can dự vào bộ máy quản lý và đang trong quá trình xây dựng chiến lược” như lời ông Thịnh nói.

Khó trăm bề

Nợ nhiều, thuê bao sụt giảm, tầm phủ sóng ngày càng hẹp lại... là những gì S-fone đang phải đối mặt. Còn về chiến lược phát triển trong tương lai, từ việc chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc công nghệ... đều chưa rõ ràng, như nhận xét của một chuyên gia.

Đầu năm 2010, ông Hồ Hồng Sơn, lúc đó là giám đốc điều hành S-fone, cho biết, vào tháng 5.2010, S-fone trình Chính phủ cho phép chuyển đổi mô hình hợp danh sang mô hình liên doanh. Trong mô hình liên doanh, SK Telecom sẽ có 20% vốn, 80% còn lại thuộc về SPT. Theo ông Sơn, sau bốn tháng kể từ ngày nộp hồ sơ, tức là khoảng tháng 9.2010, S-fone sẽ được các cấp có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động theo mô hình mới. Tháng 12.2011, S-fone đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận chuyển đổi mô hình từ BCC (hợp đồng khai thác kinh doanh) sang công ty TNHH. Còn việc có chuyển đổi sang mô hình liên doanh hay không, theo nguồn tin từ S-fone, nhà mạng này còn phải “giải quyết nhiều vấn đề, chưa xác định thời gian cụ thể”, ông Thịnh nói.

Có ý kiến cho rằng S-fone đang có ý định chuyển đổi công nghệ, từ CDMA sang GSM. Trước thông tin này, ông Thịnh cho rằng, băng tần 850MHz hiện nay S-fone đang hoạt động có rất nhiều lợi thế xét về mặt công nghệ, có thể triển khai các công nghệ, từ CDMA đến WCDMA/HPSA+, kể cả LTE và tiền 4G. Cho đến nay, ông Thịnh vẫn khẳng định S-fone sử dụng công nghệ CDMA nhưng vì những yếu tố “nhu cầu của người tiêu dùng, phát triển của công nghệ, giá thành sản phẩm đầu cuối… nên khi trao đổi với các đối tác, định hướng về công nghệ sẽ được các bên cân nhắc và tính toán”, ông Thịnh nói thêm.

Gia Vinh
Theo SGTT

Từ khóa: