Lãi sau thuế soát xét của "ông lớn" ngành bia tăng gần 142 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do chi phí bán hàng thay đổi.
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét vừa được Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK: SAB) công bố ghi nhận hàng loạt khoản chênh lệch so với báo cáo tự lập trước đó.
Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 136 tỷ đồng, xuống còn 15.642 tỷ đồng, trong đó mặt hàng bia đóng góp đến 13.688 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm từ 17 tỷ xuống chỉ còn hơn một tỷ đồng do hoàn nhập đánh giá lại khoản dự phòng đầu tư tài chính tại thời điểm cuối quý II năm nay.
Việc trình bày lại khoản chi phí hỗ trợ bán hàng cho nhà phân phối và giảm trừ các khoản hỗ trợ vật phẩm quảng cáo tại các công ty con giúp chi phí bán hàng giảm gần 273 tỷ đồng so với trước soát xét. Trước đó, trong báo cáo tài chính riêng, Sabeco cho biết chi phí bán hàng tăng thêm 132 tỷ đồng do bổ sung kinh phí cho các công ty thương mại khu vực thực hiện chương trình hỗ trợ bán hàng. Tổng chi phí bán hàng trong giai đoạn nửa đầu năm nay vào khoảng 1.230 tỷ đồng, trong đó chi phí quảng cáo và tiếp thị chiếm hơn 42%.
Nhờ cắt giảm hàng loạt chi phí nên lợi nhuận sau thuế của công ty tăng thêm gần 142 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, lên mức 2.556 tỷ đồng.
Sau khi thoái vốn khỏi Eximbank trong giai đoạn đầu năm, Sabeco vẫn còn hai khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Đông với giá trị ghi sổ 217 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Đông Á với giá trị ghi sổ 136 tỷ đồng. Hiện, Sabeco đã trích lập dự phòng 290 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này.
Năm nay, Công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 34.471 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện năm ngoái. Công ty ước tính sản lượng tiêu thụ bia các loại đạt 1.703 triệu lít, tăng 3% so với năm ngoái. Riêng các sản phẩm mang thương hiệu Bia Sài Gòn ước đạt 1.664 triệu lít, tương đương khoảng 4,5 triệu lít mỗi ngày.
Tại phiên họp đại hội cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 8, Sabeco đã thông qua mục tiêu lợi nhuận chưa phân phối năm nay đạt 4.856 tỷ đồng và tỷ lệ chia cổ tức sẽ tăng lên mức 35%, tương ứng hơn 2.244 tỷ từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối các năm trước.
Dự báo thị phần nội địa của Sabeco trong năm nay nhích nhẹ lên 43,5%. Dù vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các hãng bia ngoại ở dòng sản phẩm cao cấp, nhưng thương hiệu Saigon Special cũng chiếm đến 28% thị phần và đang có xu hướng giành lấy thị trường truyền thống của “người anh em” Habeco. Mới đây, công ty chính thức đưa ra thị trường dòng sản phẩm cao cấp nhằm đa dạng phân khúc và thay thế các dòng đã bão hoà, không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
Phương Đông
Theo VnExpress